Thông tin này được công bố trong hội thảo "Sốt rét rừng: Từ khỉ sang người", diễn ra ở Khánh Hòa hai ngày qua. Hoạt động này do Dự án nghiên cứu sốt rét Khánh Phú của Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam, Diễn đàn Khoa học Á Phi thuộc Hội xúc tiến khoa học Nhật Bản phối hợp với Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Các nhà khoa học cho biết các nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh sốt rét không chỉ truyền từ người sang người qua vật trung gian là muỗi, mà còn có khả năng lây truyền bệnh từ loài khỉ sang người.
Ở xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) năm 2009, các cán bộ Dự án nghiên cứu sốt rét Khánh Phú và những nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện con muỗi truyền bệnh sốt rét đầu tiên ở Việt Nam mang ký sinh trùng của khỉ. Cũng trong năm này, Việt Nam phát hiện 3 bệnh nhân ở Ninh Thuận bị sốt rét bởi ký sinh trùng của khỉ.
Bệnh nhân sốt rét điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM
Nhiều vấn đề khác được các nhà khoa học đặt ra ở hội thảo như sốt rét của người có nguồn gốc động vật hoang dã; vấn đề trung gian truyền bệnh sốt rét của khỉ cho người; các nghiên cứu về sinh thái, tập tính của người và của khỉ liên quan đến sự lan truyền sốt rét cho nhau…
Sau nhiều năm vắng bóng, hồi tháng 8 năm ngoái, TP HCM phát hiện một ổ dịch sốt rét giữa thành phố với hơn 20 trường hợp mắc bệnh. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, trung bình mỗi tháng có 2-3 ca sốt rét nhập viện, hầu hết bệnh nhân đều ở thể nặng.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, phó khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân sốt rét cho biết, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc hiện vẫn lưu hành ở một số vùng Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính khoảng 10%.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, triệu chứng thường thấy của sốt rét là rét run, sốt nóng, toát mồ hôi. Một số ca lại không có triệu chứng mà chỉ ớn lạnh, lúc sốt lúc không. Việc xác định bệnh rất đơn giản, có thể được thực hiện ở bệnh viện tuyến phường xã.
Nguồn dantri.com.vn