Đặc điểm của ve chó và các biện pháp xử lý.  6/16/2014 3:36:24 PM

Loài ve R. sanguineus có phân bố rộng ở hầu khắp các nước trên thế giới; ở Việt Nam có phân bố trên toàn quốc. Đây là loài ngoại ký sinh hút máu động vật, vật chủ chính là chó và một số động vật nuôi khác như mèo, cừu, bò, ngựa, lạc đà, ngoài ra còn thấy ký sinh trên một số động vật hoang dã như thỏ rừng, tê tê, báo, sơn dương, lợn rừng…

 Cuối tháng 5 năm 2014 theo phản ánh của nhân dân, phát hiện nhiều sinh vật giống như côn trùng có hình quả lê màu nâu đen, nâu xám có kích thước từ nhỏ bằng con rận đến lớn bằng hạt đậu đen, có 8 chân bò khắp nơi trong nhà dân từ khe tường, cột, sàn nhà đến giường chiếu…ở nhiều hộ gia đình thuộc thị xã Mường Lay tỉnh Điện Biên. Trung tâm y tế thị xã Mường Lay đã điều tra và thống kê các hộ dân nhiễm  nhiều cá thể ve này và báo cáo với cơ quan y tế cấp trên.

Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã khẩn trương nghiên cứu các mẫu thu được từ thực địa và xác định đây là loài Ve chó Rhipicephalus sanguineus Latreile, 1804; thuộc phân họ Rhipicephalinae; họ Ve cứng Ixodidae; bộ Ve bét Acarina; lớp hình nhện Arachnida.

Sau khi có kết quả nghiên cứu, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã hướng dẫn và hỗ trợ cung cấp hóa chất cho Trung tâm phòng chống Sốt rét -Ký sinh trùng- Côn trùng Điện Biên kịp thời xử lý cho 1489 hộ dân hạn chế sự phát triển của loài ve này.

Loài ve R. sanguineus có phân bố rộng ở hầu khắp các nước trên thế giới; ở Việt Nam có phân bố trên toàn quốc. Đây là loài ngoại ký sinh hút máu động vật, vật chủ chính là chó và một số động vật nuôi khác như mèo, cừu, bò, ngựa, lạc đà, ngoài ra còn thấy ký sinh trên một số động vật hoang dã như thỏ rừng, tê tê, báo, sơn dương, lợn rừng… Đặc biệt loài này cũng hút máu người.

Female brown dog tick, Rhipicephalus sanguineus Latreille, laying eggs.

Hình 1: Ve cái đang đẻ trứng (Nguồn Đại học Tổng hợp Florida USA)

 Ve trưởng thành và thiếu trùng bám trên vật chủ hút máu liên tục nhiều ngày, bữa ăn của thiếu trùng khoảng từ 3-11 ngày, ve trưởng thành từ 7-21 ngày. Ve đực cả đời bám trên vật chủ, ve cái sau khi hút máu và giao phối rời vật chủ đẻ trứng trong khoảng từ 7- 10 ngày, trứng nở thành ấu trùng tìm đến hút máu vật chủ, phát triển thành thiếu trùng rồi đến trưởng thành.

Hình 2: Ve và trứng ve thu được ở thị xã Mường Lay Điện Biên (Ảnh: Vũ Đức Chính)

 Vai trò dịch tễ của loài này là có thể truyền các bệnh sốt phát ban Rickettsiosis; Spirochellosis cho người và truyền một số bệnh cho chó.

Độc tố do ve đốt theo tuyến nước bọt vào người có thể gây viêm tấy tại chỗ hoặc hội chứng liệt sau 5-7 ngày ảnh hưởng đến khả năng nói, nuốt và thở, bệnh này nguy hiểm nhất đối với trẻ em dưới 2 tuổi.

Phòng tránh ve chó: sử dụng hóa chất phun tồn lưu trong nhà hoặc các nơi chó thường nằm để diệt ve. Có thể sử dụng màn tẩm hóa chất để chống ve đốt khi ngủ. Quản lý vật nuôi hạn chế tiếp xúc với ổ ve.

           Khi bị ve đốt cần lấy ve ra khỏi vị trí đốt thật cẩn thận càng sớm càng tốt bằng cách dùng kẹp kéo từ từ để không làm đứt phần phụ miệng bám vào cơ thể vì chúng có thể gây dị ứng và viêm nhiễm trùng kéo dài. Cũng có thể sử dụng đầu kim nóng chạm vào ve hoặc chất gây mê như chloroform để ve nhả miệng ra.

TS. Vũ Đức Chính
Trưởng khoa Côn trùng 
Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương

Thống kê truy cập

Đang online: 75

Số lượt truy cập: 22,962,163