Rận bẹn hay rận mu, rận càng cua, tên khoa học Phthirus pubis thuộc bộ chấy rận Anoplura, lớp Côn trùng Insecta. Con trưởng thành có kích thước 0.8 -10mm (con cái) và 1.0 – 1.2 mm (con đực). Cơ thể rận bẹn rất mỏng, có 3 đôi chân với móng sắc và khoẻ nên chúng bám rất chắc vào da người. Rận bện thường ký sinh ở những nơi có lông như ở vùng lông mày, nách và đặc biệt ở phần mu (nên có tên là rận mu). Một con cái đẻ khoảng 26 trứng dưới gốc lông, trung bình 3 trứng một ngày. Trứng phát triển thành ấu trùng qua 3 giai đoạn và sau 13-17 thành con trưởng thành. Do cơ thể mỏng và chân có móng khỏe nên rận bẹn bám rất chắc vào gốc lông, vì vậy khi tắm rửa kỳ kọ rận bện không rời ra. Rận bẹn chủ yếu hoạt động vào ban đêm, thường vào lúc nửa đêm, sau khi mọi sinh hoạt của con người đã ổn định rận bẹn bò ra cào cấu gây ngứa ngáy khó chịu. Nếu gải nhiều sẻ làm tổn thương da và nhiễm trùng.
Rận bẹn phân bố khắp thế giới. Ở Việt Nam, trước những năm 1960, do điều kiện vệ sinh cá nhân kém nên tỷ lệ người mắc rận bẹn tương đối cao, nhưng hiện nay tỷ lệ mắc rất thấp (khoảng 1-5 phần triệu). Rận bẹn lây từ người này qua người khác chủ yếu qua sinh hoạt vợ chồng.
Cách đây không lâu vợ chồng anh T ở thị xã Hà Đông đã tìm đến chúng tôi để tư vấn về việc chữa trị rận bẹn. Anh T cho biết đã điều trị tại bệnh viện Hà Đông hơn 6 tháng với hơn 10 loài thuốc da liễu mà không khỏi. Một hôm vô tình anh ta gải và thu được một số mẫu giống như vảy da đầu nhưng cử động được nên đã mang đến bệnh viện Hà Đông xét nghiệm, nhưng bác sĩ đã hướng dẫn anh T đến chúng tôi. Sau khi cố định tiêu bản, đã xác định đó chính là rận bẹn và chúng tôi đã đến tận nhà anh T chỉ dẫn cách điều trị và làm vệ sinh môi trường. Sau một vài ngày hai vợ chồng anh T đã khỏi bệnh
TS Nguyễn Văn Châu