Nếu bị ong, kiến đốt cần rửa sạch vết thương, chườm đá rồi đưa tới bệnh viện để được bác sĩ cho uống thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin làm dịu, hoặc dán miếng dán hạn chế co mạch. Chữa trị sớm sẽ hạn chế được những biến chứng xấu của nọc độc côn trùng, nhưng dùng thuốc gì cũng cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và tư vấn điều trị.
Làm gì để hạn chế tình trạng bị côn trùng tấn công?
Nếu phải đi đường lúc chiều tà, buổi tối nên đeo kính, đi giầy, mặc quần áo dài để hạn chế tối đa tai nạn do côn trùng. Không nên dùng mỹ phẩm có hương thơm thu hút côn trùng. Khi đi xe máy, nên đội mũ bảo hiểm có kính chắn hoặc đeo kính bảo vệ mắt. Nên đeo kính trắng (không số) đi đường ban đêm (có thể bị lóa lúc đầu nhưng rồi sẽ quen).
Buổi tối, học sinh và người làm việc trí óc hay ngồi dưới ánh đèn nếu có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt thì chớ vội vàng quệt tay có thể làm lan rộng tổn thương, nên kiểm tra và búng nhẹ côn trùng khỏi người. Khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn trước khi dùng, giũ mạnh quần áo trước khi mặc.
Côn trùng có rất nhiều loại, với tính chất và mức độ độc tính khác nhau. Tùy theo việc bị loài côn trùng nào cắn mà có cách chữa trị phù hợp, nhưng càng sớm càng tốt bởi sau 6 giờ nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.
Có thể ngăn chặn côn trùng người bằng cách trồng quanh nhà các loại cây thảo dược có tác dụng diệt trừ sâu bọ như chanh, hương thảo, húng quế, bạc hà…
BS. Nguyễn Thu Hồng ( Theo SKĐS)