Tình hình kiến ba khoang và cách phòng chống  11/9/2016 11:04:21 AM

Kiến ba khoang là tên thường gọi của một số loài kiến ngoài ra có các tên gọi khác như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong...

Tìm hiểu về kiến ba khoang

Kiến ba khoang là tên thường gọi của một số loài kiến ngoài ra có các tên gọi khác như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong... Thân mình thon, dài như hạt thóc, dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm, nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến. Kiến có 3 đôi chân, 2 đôi cánh, một đôi cánh dài mỏng trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới đôi cánh cứng ngắn, bay và chạy rất nhanh. Các khoang màu đen xen  màu cam óng ánh xanh thường có 3 khoang màu đen, 2 khoang màu cam (hình 1). Tên khoa học là Paederus fuscipes, P. crebrepunctatus, P. sabaeus… thuộc giống Paederus họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng), lớp Insecta (côn trùng), ngành Arthropoda (động vật không xương sống).


Kiến ba khoang

Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa chất pederin (C25H45NO9) là chất rất độc, chất này có th gây viêm da cấp, những trường hợp bị viêm nặng nếu không được điều trị tốt có th bị bội nhiễm. Thực chất kiến ba khoang là côn trùng có ích trong nông nghiệp bởi chúng là thiên địch ăn một số loài sâu hại cây trồng. Thậm chi một vài nơi ở Trung Quốc người ta còn nuôi kiến ba khoang để trừ sâu hại cây bông.

Ở Việt Nam trong vài năm gần đây kiến ba khoang phát triển mạnh xuất hiện nhiều ở hầu khắp các thành phố trên cả nước nhất là các vùng ven đô, mật độ kiến tăng cao vào thời gian cuối mùa hè đầu mùa thu. Môi trường sống của kiến ba khoang chủ yếu ở nơi ẩm ướt có nhiều các côn trùng nhỏ là mồi của chúng. Một đặc tính quan trọng của kiến ba khoang là thích bay đến nơi có ánh sáng mạnh vào buổi tối.

     Kiến ba khoang không cắn người và cũng không có ngòi chích nọc độc như một số côn trùng khác. Chất độc pederin trong cơ thể của kiến được tiết ra dính vào bề mặt da của người do các tác động chà xát hoặc bị giết. Mức độ gây viêm da từ tấy đỏ đến phồng mọng nước phụ thuộc vào lượng chất độc thấm vào da và khả năng đề kháng của mỗi người (hình 2). 


Hình 2. Viêm da do kiến ba khoang  

Theo thông báo của Viện Da liễu trung ương, trong thời gian gần đây, mỗi ngày có khoảng 50-70 bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang đến khám và điều trị.

Cách phòng chống

Kiến ba khoang không phải loài côn trùng chủ động đốt người và cũng không phải loài côn trùng truyền bệnh (bọ xít, muỗi vằn...) vì loài côn trùng này không tấn công người mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Vì vậy có thể phòng kiến ba khoang bằng những cách sau:

-    Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ lỗ thoát khí.

-    Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.

-    Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau

-    Các khu nhà ở chật hẹp như: ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.

-    Khi kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của nó dình vào da.

-    Sử dụng Deltamethrin, anphacypermethrin phối hợp với permethrin để phun các khu vực kiến trú ngụ hoặc thường bay đến để diệt kiến.

-    Khi bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm.

TS. Vũ Đức Chính 

Thống kê truy cập

Đang online: 131

Số lượt truy cập: 22,962,219