Con sốt, tưởng chỉ cảm thông thường, đến ngày thứ tư thì cháu lên cơn co giật, đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, chị Hà mới biết bé bị biến chứng thần kinh do bệnh tay chân miệng.
Trưa 23/2, khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 có hơn 100 phụ huynh đang lo lắng vì con nằm viện điều trị. Nhiều bé phải được chăm sóc đặc biệt. Tại khoa Tiêu hóa, hằng trăm bé cũng đangđiều trị nội trú vì chứng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, kiết lỵ. Khoa Hô hấp cũng có hơn 100 trẻ nằm điều trị vì viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hen suyễn.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, theo các bác sĩ, tuy số ca bệnh chưa phải là cao điểm trong năm, song vẫn có hơn 1.000 trường hợp nằm viện, tập trung chủ yếu tại các khoa Hô hấp, tiêu hóa và khoa Nhiễm.
Con bị bệnh cả nhà bỏ việc
“Đây là tình hình chung, các loại bệnh hầu như xảy ra quanh năm, phụ huynh không nên chủ quan”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói.
Ngành y tế cũng như người dân ở các tỉnh miền Trung đang lo lắng vì dịch bệnh tay chân miệng tái bùng phát trở lại. Giữa tháng 2, tại Đà Nẵng đã có một bệnh nhi tử vong vì căn bệnh này. Ngành y tế, các trường học mầm non lẫn người dân mất ăn, mất ngủ vì lo lắng cho sức khỏe của con trẻ.
Chồng đi đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, con nhỏ mới tròn 4 tháng tuổi bỗng dưng sốt cao, tay chân nổi mẩn đỏ, sáng nay, chị Nguyễn Thị Kim Phương ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa cấp tốc đưa con đến khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi để được điều trị bệnh.
"Thấy tay, chân của con nổi mẩn đỏ dày đặc, sốt cao dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, tui sợ quá liền nhờ người thân chở đưa đến Bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị. Bác sĩ nói may mà tui đưa con đi điều trị kịp thời, bệnh tay chân miệng, sốt cao độ 2 chưa nguy hiểm đến tính mạng", chị Phương nặng trĩu âu lo cho biết.
Do số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến nên Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đã khẩn cấp thành lập đơn nguyên chuyên gồm 8 bác sĩ, điều dưỡng chuyên thu dung, cách ly, điều trị căn bệnh này. Từ đầu tháng 2 đến nay bệnh viện này đã tiếp nhận 154 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ tháng 1.
Nhiều gia đình có con mắc bệnh lo sợ đã đưa trẻ "vượt tuyến" thẳng ra Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng gây nên tình trạng quá tải tại khu vực này.
Chị Lê Thị Lệ ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, lo sợ nói: "Hai ngày qua vợ chồng tôi bàn tính đưa cháu ra Đà Nẵng để điều trị bệnh tay chân miệng vừa nhanh bớt bệnh vừa đảm bảo an toàn. Nhiều người ở xã tôi có con bị bệnh này đều đưa ra Đà Nẵng hết chứ nghe trẻ mắc bệnh này tử vong nhanh nên sợ nhiều lắm".
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết hiện khoa Nhi của bệnh viện chỉ có thể điều trị khoảng 40-50 bệnh nhân tay chân miệng mỗi ngày. Trong trường hợp tăng thêm khoa bố trí thêm giường xếp xen kẽ giữa các phòng. Bệnh viện cũng đề nghị Sở y tế Quảng Ngãi mua thuốc đặc trị Milrinone, các thể cao huyết áp (bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng độ 3 cùng với bệnh cao huyết áp) để phòng nguy hiểm tính mạng cho trẻ.
Nếu căn cứ tình hình bùng phát dịch bệnh tay chân miệng sớm như năm nay thì đỉnh của dịch bệnh này rơi vào khoảng đầu tháng 3 đến tháng 5. Do vậy, các trường học mầm non, các bậc phụ huynh tăng cường vệ sinh cá nhân cho con trẻ, giữ gìn vệ sinh trường lớp, phát hiện, cách ly kịp thời trẻ bị bệnh tránh lây lan ra cộng đồng.
"Hiện khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc nên khi phát hiện con trẻ mắc bệnh tay chân miệng người dân nên bình tĩnh đưa cháu đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời", bác sĩ Phụ khuyên.
Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, có hơn 150 trẻ bệnh tay chân miệng, trong đó có một trường hợp tử vong là bé Nguyễn Anh Khoa (22 tháng tuổi) ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Khoa Y học nhiệt đới, Trung tâm Phụ sản nhi, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 10-15 trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng, trong đó có nhiều trẻ chuyển đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Trung tâm đang theo dõi, điều trị 125 ca bị tay chân miệng, trong đó có 15 ca bị tay chân miệng nặng, ở cấp độ 2B1 trở lên đã được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu.
Sáng 23/2, nhiều phụ huynh trên địa bàn đã mang con đến bệnh viện thăm khám làm cho các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Chỉ riêng tại Khoa nhi bệnh Viện Hoàn Mỹ, đã có khoảng 200 người mang con đến khám tay chân miệng. Bình quân mỗi ngày có 7-8 em có các triệu chứng liên quan đến tay chân miệng được bệnh viện chuyển lên Trung tâm Sản nhi (Bệnh viện Đà Nẵng) để theo dõi và điều trị.
Nhiều phụ huynh lo lắng tìm đến những điểm giữ trẻ tại gia đình nhằm hạn chế tình trạng gửi trẻ ở các trường mầm non phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều trẻ em khác, dễ lây lan bệnh.
Các trường mầm non ở Đà Nẵng cũng tăng cường biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh khu vực nấu ăn, đồ chơi cho trẻ bằng thuốc ClominB. Nhiều trường không dám nhận thêm trẻ.
Theo cô Phan Thị Xuân Trâm, hiệu trưởng trường mầm non Trúc Đào ( Lý Tự Trọng, TP Đà Nẵng), nhiều phụ huynh tỏ ra quá lo lắng về dịch bệnh này.
“Trường chúng tôi cũng phát hiện hai cháu bị nhiễm tay chân miệng. Trường đã báo cáo lên cấp trên, đồng thời thông báo cho phụ huynh nâng cao ý thức vệ sinh cho trẻ và đặc biệt là tư vấn để mọi người yên tâm cùng phòng chống dịch”, cô Trâm nói.
Bác sĩ Hà Thị Như Minh, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, cho biết bệnh tay chân miệng xuất phát từ việc vệ sinh cá nhân cho trẻ không đảm bảo, gia đình có mức sống thấp, trong khi tâm lý của phụ huynh lại tỏ ra quá lo lắng về dịch bệnh và nhiều khi chưa tìm hiểu đầy đủ kiến thức về bệnh này.
“Nhiều trường mầm non khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nhiễm bệnh đã cho trẻ nghỉ học là không nên. Trong khi nhà trường cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch thì lại thông báo cho trẻ nghỉ học càng làm cho tâm lý phụ huynh thêm lo lắng”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Tại Hà Nội, bệnh tay chân miệng vẫn xuất hiện rải rác nhưng không có ổ dịch, không có ca nặng. Riêng bệnh viêm màng não do não mô cầu đã tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái (lên 4 ca) và cướp đi sinh mạng một em bé 1,5 tháng tuổi ở Hà Đông.
Theo vnexpress.net