Một số cảnh báo về ăn thịt lợn sống và bệnh giun xoắn tại Việt Nam  10/9/2013 10:06:30 AM

Trichinellosis là một bệnh truyền từ động vật qua thực phẩm sang người nguyên nhân do ấu trùng Trichinella.


Trichinellosis là một bệnh truyền từ động vật qua thực phẩm sang người quan trọng, nguyên nhân do ấu trùng Trichinella. Đây cũng là một bệnh trong nhóm các bệnh truyền nhiễm bị lãng quên (NTDs) đang được cộng đồng y tế thế giới quan tâm và được xếp vào danh mục B theo Tổ chức Thú y thế giới. Lợn nuôi và lợn rừng là nguồn gây bệnh chủ yếu trên người. Các ổ dịch trên người phần lớn do tập quán ăn thịt sống (món Lạp) và tái (nem chạo) là phổ biến. Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện 8 loài (T. spiralis, T. nativa, T. britovi, T. murrelli, T. nelsoni, T. pseudospiralis, T. papuae, T. zimbabwensis) và 4 kiểu gen (T6, T8, T9, T12) giun xoắn. Hầu hết, ấu trùng có và không có lớp nang kén bao bọc xung quanh khi cư trú trong cơ. Bệnh giun xoắn thường truyền lây giữa những loài động vật khác nhau và người. Trên động vật các loài thường mắc bệnh là động vật hoang dã, lợn, chuột, ngựa, chim, cá sấu…Chuột và lợn được coi là nguồn lưu trữ và reo rắc mầm bệnh. Ấu trùng giun xoắn có thể tồn tại trong cơ người tới 40 năm và 20 năm trên động vật (gấu bắc cực).

Khu vực Đông Nam Á nơi có nhiều báo cáo dịch giun xoắn trong những năm vừa qua, đặc biệt là ở Thái Lan, Lào và Việt Nam. Trong thời gian 1970-2012, theo báo cáo của Viện Sốt rét-KST-CT.TƯ tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam có năm vụ dịch bùng phát của bệnh giun xoắn trên người tập trung tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và tỉnh Thanh Hóa. Chẩn đoán các trường hợp bệnh giun xoắn trên người thường muộn, sau 1-2 tuần kể từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi nhập các bệnh viện trung ương do hầu hết người dân và cả cán bộ y tế tuyến cơ sở chưa có kiến ​​thức về bệnh giun xoắn đầy đủ và thiếu trang thiết bị để chẩn đoán tại bệnh viện tỉnh và huyện.

Tại Việt Nam, bệnh giun xoắn do Trichinella spiralis gây nên đã được phát hiện ít nhất 5 ổ bệnh với trên 118 bệnh nhân và chết 8 người trong giai đoạn (1970-2012). Năm 1970 tại một xã thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Nghĩa Lộ (nay thuộc tỉnh Yên Bái) có vụ dịch giun xoắn với 26 người ăn thịt lợn sống dưới dạng nem đều bị mắc bệnh, trong đó chết 4 người. Do ăn thịt lợn sống từ một lợn nái 50 kg, đã đẻ nhiều lứa và nuôi được 8 năm. Năm 2001, tại Bản Chấn, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điên Biên có 23 người bị nhiễm bệnh giun xoắn do ăn thịt lợn sống “món lạp” được lấy từ một con lợn được nuôi tại địa phương, trong dó có 2 người tử vong.  Tháng 9/2004 cũng tại xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên có 20  người ăn “món lạp” được lấy từ con lợn được nuôi tại địa phương và đều bị bệnh giun xoắn. Trong vụ dịch này không có trường hợp tử vong vì được can thiệp kịp thời (Đoàn Hạnh Nhân và CS, 2004).  Năm 2008 có một vụ dịch giun xoắn tại xã Làng Chêu , huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La có 22 người bị bệnh do cùng ăn thịt lợn sống món “lạp” và có 2 người đã tử vong. Tháng 2 năm 2012  tại một huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá với trên 27 người mắc bệnh, trong đó có 6 bệnh nhân chuyển về Hà Nội và 2 bệnh nhân sinh thiết có ấu trùng trong cơ. Xét nghiệm huyết thanh học (ELISA phát hiện kháng thể kháng giun xoắn) cho kết quả dương tính 7,4% (18/242 người xét nghiệm). Người ăn thịt lợn có chứa ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín tại địa phương nên mắc bệnh giun xoắn. Điều tra trên lợn tại địa phương có mang ấu trùng giun xoắn. Tỷ lệ lợn dương tính với kháng thể kháng giun xoắn bằng phương pháp ELISA là 6,7% (3/45 lợn xét nghiệm). Phát hiện lợn dương tính với giun xoắn tại bản Suối Phái, nơi lợn mắc bệnh bị xẻ thịt đem bán và cả bản lân cận là Bản Poọng - xã Tam Dương cho thấy nguồn bệnh vẫn tồn tại ở các khu vực này và còn có thể còn lan rộng hơn (Báo cáo của Viện Sốt rét-KST CT TƯ, 2012).

Các yếu tố nguy cơ lây truyền Trichinella như vận chuyển lợn và động vật tự do, thức ăn của lợn là thức ăn thừa hoặc rác, ăn thịt lợn sống và không nấu chín và đặc biệt tại các khu giết mổ lợn không có kiểm soát về nguồn thịt nhiễm bệnh Trichinella. Ngoài ra, tại các khu dân cư người dân sống không cách ly với khu chăn nuôi lợn do sự chật chội về diện tích và thói quen sinh hoạt còn phổ biến. Một số vùng các món ăn truyền thống của người dân như lòng sống, thịt lợn tái, thịt sống (món Lạp, nem sống, nem chao, nem chua) được coi như nguồn phơi nhiễm bệnh chính. Rất cần thiết phải giáo dục về nguy cơ căn bệnh này và tầm quan trọng của cách thức chế biến và quản lý nguồn thịt lợn trong cộng đồng. Ngoài ra, các hộ gia đình nên được khuyến khích áp dụng đầy đủ thực hành chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh.

TS. Nguyễn Thu Hương
Phó trưởng Khoa Ký Sinh Trùng

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Số lượt truy cập: 22,656,417