NCS Trần Công Hiền bảo vệ luận án tiến sĩ
Sáng 21/01/2020 tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, nghiên cứu sinh Trần Công Hiền đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Côn trùng học, mã số 942 01 06. Với đề tài " Thực trạng véc tơ sốt xuất huyết Dengue, mối tương quan giữa khí hậu với chỉ số véc tơ và số mắc sốt xuất huyết Dengue tại 4 tỉnh miền bắc Việt Nam (2016-2017)”
Tên đề tài luận án: " Thực trạng véc tơ sốt xuất huyết Dengue, mối tương quan giữa khí hậu với chỉ số véc tơ và số mắc sốt xuất huyết Dengue tại 4 tỉnh miền bắc Việt Nam (2016-2017)”.
Chuyên ngành: Côn trùng học
Mã số: 942 01 06
Nghiên cứu sinh: Trần Công Hiền
Cán bộ hướng dẫn khoa học:
1. TS. Vũ Đức Chính 2. TS. Phạm Thị Hằng
Cơ sở đào tạo: Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương
Mục tiêu, đối tượng, địa điểm nghiên cứu:
-Mô tả sự phân bố, tập tính trú đậu, vai trò truyền bệnh SXHD và độ nhạy cảm với một số hóa chất diệt côn trùng của muỗi Ae. aegypti và Ae. albopictus tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và Hà Tĩnh, năm 2016 - 2017.
-Phân tích mối tương quan giữa một số yếu tố khí hậu với chỉ số véc tơ và số mắc sốt xuất huyết Dengue tại Hà Nội, năm 2016 - 2017.
-Muỗi, bọ gậy Ae. aegypti và Ae. albopictus.
-Vi rút Dengue.
-Các yếu tố khí hậu: Số liệu được lấy từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
-Trường hợp bệnh SXHD: Số liệu trường hợp bệnh SXHD được lấy từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.
- Điều tra dọc tại phường Láng Thượng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa và xã Tân Triều, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
- Khoa Côn trùng, khoa Sinh học phân tử, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
- Nghiên cứu mô tả cắt ngang: Điều tra cắt ngang được thực hiện 2 đợt/năm ở 4 tỉnh/thành phố nghiên cứu.
- Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm: Làm các xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử xác định tỉ lệ nhiễm vi rút Dengue trong muỗi. Thử sinh học đánh giá mức độ nhạy cảm của muỗi với hóa chất diệt côn trùng.
- Nghiên cứu theo dõi dọc: Điều tra thu thập muỗi và bọ gậy được thực hiện theo từng tháng trong năm tại 4 xã/phường ở Hà Nội. Các số liệu về trường hợp bệnh SXHD ở các điểm trên và số liệu khí hậu của Hà Nội cũng được thu thập theo các tháng điều tra côn trùng để phân tích, xác định tương quan giữa yếu tố khí hậu và chỉ số véc tơ và số mắc SXHD.
Kết luận, tính mới của luận án
Phân bố, tập tính trú đậu, vai trò truyền bệnh SXHD và độ nhạy cảm với một số hóa chất diệt côn trùng của muỗi Ae. aegypti và Ae. albopictus tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và Hà Tĩnh, năm 2016 - 2017
Phân bố: Ở cả 4 tỉnh thành Hà Nội, Hà Tĩnh,Hải Phòng và Thanh Hoá có sự phân bố của 2 véc tơ SXHD là Ae. Aegypti và Ae.albopictus. Trong đó hầu hết các điểm điều tra có mặt cả 2 loài, trừ khu vực đô thị tại Hải Phòng và Thanh Hoá chưa phát hiện thấy loài Ae. aegypti.
Tập tính trú đậu:
Muỗi Ae. aegypti trú đậu chủ yếu trong nhà từ 86.5% đến 96,2%, giá thể trú đậu chủ yếu trên quần áo từ 73,9% đến 80,3%, ở phòng ngủ từ 74,8% đến 79,6%, ở độ cao từ 1 – 2 mét chiếm từ 53,8% đến 75,7%.
Muỗi Ae. albopictus chủ yếu trú đậu ngoài nhà từ 94,1% đến 96,9%, giá thể trú đậu chủ yếu là các vật xung quanh ổ bọ gậy từ 93,53% đến 96,49%, độ cao trú đậu từ 1 – 2 mét chiếm từ 49,5% đến 59,5%.
Vai trò truyền bệnh:
Các ổ dịch SXHD đang hoạt động: 91,5% có mặt Ae. aegypti; 60,7% có mặt Ae. albopictus; 52,1% có cả 2 loài.
Tỷ lệ ổ dịch có Ae. aegypti nhiễm vi rút Dengue là 9,35%; Tỷ lệ ổ dịch có Ae. albopictus nhiễm vi rút Dengue là 2,82%.
Đã phát hiện cả 4 típ vi rút D1, D2, D3 và D4 nhiễm trong muỗi Ae. aegypti ở Hà Nội; Típ vi rút D1 nhiễm trong muỗi Ae. albopictus ở Hải Phòng.
Độ nhạy cảm với hóa chất diệt côn trùng:
Các quần thể muỗi Ae. aegypti đã kháng hoặc có thể kháng với các hóa chất nhóm pyrethroid: Alphacypermethrin, deltamethrin, lambdacyhalothrin (kháng với alphacypermethrin
và deltamethrin 9/13 điểm nghiên cứu, Lambdacyhalothrin
8/13 điểm nghiên cứu).
Các quần thể muỗi Aedes albopictus hầu hết vẫn còn nhạy cảm với hóa chất nhóm pyrethroid (nhạy cảm 12/23 – 16/23 điểm nghiên cứu) và malathion 21/23 điểm nghiên cứu), trừ quần thể ở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội muỗi đã kháng cả với pyrethroid và malathion (với tỉ lệ muỗi chết từ 3% - 73% trong thử nghiệm).
Mối tương quan giữa một số yếu tố khí hậu với chỉ số véc-tơ và số mắc sốt xuất huyết Dengue tại Hà Nội, năm 2016 - 2017
- Nhiệt độ môi trường trung bình tháng và BI có tương quan thuận, chặt, r = 0,55 có ý nghĩa thống kê với p = 0,006.
- BI và trường hợp mắc SXHD có mối tương quan thuận, chặt, r = 0,66, có ý nghĩa thống kê với p = 0,00
- Nhiệt độ trung bình, chỉ số MĐM tháng trước với trường hợp mắc SXHD của tháng sau tại Hà Nội năm 2016 - 2017 có mối tương quan thuận, chặt, r = 0,48 và r = 0,49, có ý nghĩa thống kê với p = 0,02.
- Chỉ số BI, trường hợp bệnh tháng trước với trường hợp mắc SXHD của tháng sau có mối tương quan thuận, rất chặt, r= 0,74 và r = 0,83, có ý nghĩa thống kê với p = 0,00.
- Độ ẩm không có tương quan với MĐM và BI, r = - 0,31 và r = - 0,22 không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
NCS Trần Công Hiền chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ