NCS Nguyễn Xuân Huy bảo vệ luận án tiến sĩ
Sáng ngày 10/04/2018 tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Xuân Huy đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Dịch tễ học, mã số 62 72 01 17. Với đề tài “Nghiên cứu thực trạng vô sinh và một số yếu tố liên quan ở nữ công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, hiệu quả một số biện pháp can thiệp (2016-2017)”.
Tên đề tài luận án: “Nghiên cứu thực trạng vô sinh và một số yếu tố liên quan ở nữ công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, hiệu quả một số biện pháp can thiệp (2016-2017)”.
Chuyên ngành: Dịch tễ học
Mã số: 62 72 01 17
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Xuân Huy
Cán bộ hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Nguyễn Bá Quang 2. PGS. TS. Phạm Bá Nha
Cơ sở đào tạo: Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương
Mục tiêu, đối tượng và địa điểm nghiên cứu:
- Nghiên cứu thực trạng vô sinh, nhiễm trùng đường sinh sản và một số yếu tố liên quan ở nữ công nhân vô sinh tại các khu công nghiệp Nam Sách, Phúc Điền và Ngô Quyền tỉnh Hải Dương 2016.
- Đánh giá hiệu quả can thiệp làm giảm tỷ lệ vô sinh bằng điều trị nội khoa
- Đối tượng: Nữ công nhân đã có chồng >1 năm, làm việc tại khu công nghiệp Nam Sách, Phúc Điền và Ngô Quyền tỉnh Hải Dương để xác định tỷ lệ vô sinh.
- Nghiên cứu được thực hiện tại: Khu công nghiệp Nam Sách, Phúc Điền và Ngô Quyền, tỉnh Hải Dương, labo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Viện Công nghệ Sinh học Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương.
Phương pháp nghiên cứu: Dịch tễ học mô tả có phân tích và can thiệp với chứng trước sau
Kết quả và kết luận chính
- Thực trạng vô sinh
+ Tỷ lệ vô sinh chung ở các cặp vợ chồng nữ công nhân các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương là 12,67% (225/1775). Nguyên nhân vô sinh do vợ chiếm tỷ lệ 56,4% (127/225), do chồng 36,9% (83/225), không rõ nguyên nhân 6,7% (15/225).
+ Tỷ lệ các căn nguyên ở nữ công nhân vô sinh: Do tắc vòi trứng 31,5% (40/127), buồng trứng đa nang 26,8% (34/127), rối loạn phóng noãn 20,5% (26/127), lạc nội mạc tử cung 9,4% (12/127), các nguyên nhân khác do tử cung, buồng trứng chiếm tỷ lệ 11,8% (15/127). Vô sinh nguyên phát chiếm 55,7% (71/127), vô sinh thứ phát chiếm 44,3% (56/127).
- Thực trạng nhiễm trùng đường sinh sản ở nữ công nhân
Trong 225 cặp vợ chồng nữ công nhân vô sinh, tỷ lệ nhiễm trùng đường sinh sản ở nữ công nhân: có triệu chứng lâm sàng là 81% (182/225), xét nghiệm vi sinh là 93,8% (221/225). Đã xác định được 20 loài vi khuẩn ký sinh và gây bệnh, tỷ lệ cao nhất là Pseudomonas spp 17,96%, Escherichia coli 7,70% và Enterococcus faecalis 7,70%. Tỷ lệ nhiễm C.trachomatis xác định bằng test nhanh 2,67%. Tỷ lệ nhiễm nấm đường sinh sản 21,3%, xác định được 12 loại nấm ký sinh trùng đường sinh sản, trong đó C. albicans chiếm tỷ lệ cao nhất 38,1%, tiếp đến là C. glabrata 22,1%.
- Một số yếu tố liên quan nhiễm trùng đường sinh sản và vô sinh
Có liên quan giữa sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh với tình trạng nhiễm trùng đường sinh sản (OR=4,39, CI95%, p<0,05) và sử dụng công trình vệ sinh không đảm bảo vệ sinh với tình trạng nhiễm trùng đường sinh sản (OR=3,48, CI95%, p<0,05).
Các yếu tố có liên quan với tình trạng vô sinh ở nữ công nhân gồm: Nhiễm trùng sinh sản (OR=1,79, CI95%, p<0,05), tiền sử mổ đẻ (OR=2,58, CI95%, p<0,01), có tiền sử phẫu thuật vùng chậu (OR=2,3, CI95%, p<0,05), tình trạng nạo phá thai OR=2,27, CI95% (1,15-4,54), p<0,01, có sử dụng thuốc tránh thai (OR=2,20, CI95%, p<0,05).
NCS Nguyễn Xuân Huy chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ