GIỚI THIỆU CHUNG  12/8/2011 10:43:30 AM

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương


 

1. Tên đơn vị: VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG TRUNG ƯƠNG 

Tên giao dịch quốc tế: National Institute of Malariology, Parasitology and Entomology (NIMPE)  

2. Quá trình thành lập và tên gọi qua các thời kỳ
- Ngày 01 tháng 07 năm 1957 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 287-TTg do Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký thành lập Viện sốt rét do cố Giáo sư Anh hùng lao động liệt sỹ Đặng Văn Ngữ làm Viện trưởng.
 
- Ngày 09 tháng 08 năm 1957 Bộ trưởng Bộ Y tế ra Thông tư 33/BYT/TT quy định Viện sốt rét đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế. 
- Ngày 05 tháng 09 năm 1961 Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã ký quyết định số 794-BYT/QĐ đổi tên Viện sốt rét thành Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng . 
- Ngày 30 tháng 11năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 230/1998/QĐ-TTg đổi tên Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng thành Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương .


3. Địa chỉ: Số 245 Đường Lương Thế Vinh, Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội

4. Điện thoại:

            - Phòng Hành chính : (84 4) 38543857
            - (84 4) 38543034; (84 4) 38543032, (84 4) 38544326; (84 4) 38543019
Fax: (84 4) 38543015
            Bưu chính: BC 10 200 Từ Liêm, Hà Nội
5. E-mail:  nimpe@fpt.vn, ttnimpe.@fpt.vn
6. Địa chỉ Website:   http://nimpe.vn 

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Điều lệ này qui định về tổ chức và hoạt động của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương.

Điều 2. Viện Sốt rét-Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương (dưới đây gọi tắt là Viện) là Viện chuyên khoa đầu ngành, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập theo Quyết định số 287/TTg ngày 1/7/1957 của Thủ tướng chính phủ, được sắp xếp lại theo Quyết định số 230/1998/QĐ-TTg ngày 30/11/1998 của Thủ tướng chính phủ về việc sắp xếp các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Y tế và Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ. Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo qui định của pháp luật, có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 3. 
Tổ chức Đảng và đoàn thể trong viện.
Tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam trong Viện lãnh đạo các hoạt động của Viện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác trong Viện được thành lập và hoạt động theo qui định của pháp luật. Các tổ chức này có trách nhiệm phối hợp với chính quyền để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Viện và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình đã được xác định trong Điều lệ. 

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA VIỆN

Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương là Viện chuyên khoa đầu ngành có chức năng nghiên cứu khoa học; đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ chuyên ngành; truyền thông giáo dục sức khoẻ; hợp tác quốc tế về sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng truyền bệnh cho người và các biện pháp phòng chống; chỉ đạo chuyên môn tuyến dưới trong phạm vi toàn quốc, trực tiếp chỉ đạo chuyên môn tại 29 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương có các nhiệm vụ sau đây:
1. Nghiên cứu khoa học :

a) Nghiên cứu về Sốt rét bao gồm: Dịch tễ học, các kỹ thuật chẩn đoán, lâm sàng, điều trị, các loại thuốc và các biện pháp phòng chống.
b) Nghiên cứu về các bệnh ký sinh trùng khác bao gồm: Dịch tễ học, các kỹ thuật chẩn đoán, lâm sàng, điều trị, các loại thuốc và các biện pháp phòng chống.
c) Nghiên cứu về muỗi truyền bệnh SR, các côn trùng truyền bệnh khác truyền bệnh cho người và các biện pháp phòng chống.
đ) Nghiên cứu các yếu tố sinh thái, kinh tế, xã hội và môi trường có ảnh hưởng đến công tác phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh do ký sinh trùng và các bệnh do côn trùng truyền bệnh.
e) Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên ngành.

2. Chỉ đạo tuyến :

a) Giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, kế hoạch phòng chống bệnh sốt rét, phòng chống các bệnh KST và côn trùng truyền bệnh cho người trong phạm vi toàn quốc, trực tiếp chỉ đạo chuyên ngành tại 29 tỉnh, thành phố phía Bắc.
b) Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương xây dựng mạng lưới chuyên khoa và tổ chức mạng lưới này hoạt động phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền.
c) Xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh do ký sinh trùng khác và côn trùng truyền bệnh do Bộ Y tế quản lý cho các tỉnh để trình Bộ Y tế phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi đã được phê duyệt.
d) Theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các nội dung nêu trên trên pham vi cả nước. Trực tiếp theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả tại 29 tỉnh, thành phố phía Bắc.
e) Thực hiện chế độ báo cáo mọi hoạt động của Viện theo qui định.

3. Đào tạo:

a) Đào tạo kỹ thuật viên trung học tại Viện theo mã ngành đã được Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, tham gia đào tạo kỹ thuật viên cao đẳng chuyên ngành.
b) Tổ chức đào tạo lại và đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh cho các tuyến theo qui định của pháp luật.
c) Tham gia đào tạo đại học và sau đại học về chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh cho các tuyến theo qui định của pháp luật.

4. Truyền thông giáo dục sức khoẻ:

a) Nghiên cứu xây dựng các nội dung, hình thức và các phương pháp truyền thông giáo dục về phòng chống bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng khác và côn trùng truyền bệnh cho phù hợp với tập quán, dân trí và điều kiện kinh tế của đồng bào các dân tộc ở các vùng miền khác nhau.
b) Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra giám sát công tác truyền thông giáo dục phòng chống bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng khác và côn trùng truyền bệnh.
c) Phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan để tiến hành công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ cho nhân dân về bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng khác, côn trùng truyền bệnh và các biện pháp phòng chống.
5. Hợp tác quốc tế:
a) Chủ động khai thác nguồn viện trợ, đầu tư nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, cung cấp trang thiết bị và xây dựng cơ bản với các tổ chức và cá nhân nước ngoài; tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của nước ngoài về vật chất, kỹ thuật, kiến thức để xây dựng Viện ngày càng phát triển.
b) Hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong khu vực và trên thế giới theo qui định của pháp luật để nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học phục vụ cho phòng, chống bệnh sốt rét, bệnh do ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh.
c) Hợp tác với các tổ chức, các nước trong khu vực và trên thế giới để tổ chức các lớp đào tạo, hội nghị, hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành theo qui định của pháp luật.
d) Xây dựng kế hoạch đoàn ra, đoàn vào theo chương trình hợp tác quốc tế tới Viện; cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu, công tác ở nước ngoài và nhận chuyên gia, giảng viên, học viên là người nước ngoài đến nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và học tập tại Viện. Viện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhân sự do Viện cử hoặc cho phép ra nước ngoài, đồng thời phải chịu rách nhiệm tổ chức việc quản lý hộ chiếu của các đối tượng trên ngay sau khi về nước để đảm bảo hộ chiếu được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và quản lý các đoàn ra, đoàn vào theo qui định của pháp luật.
6. Quản lý đơn vị :
a) Xây dựng và triển khai thực hiện qui chế hoạt động của đơn vị và thực hiện Quy chế dân chủ theo qui định của pháp luật.
b) Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Viện; quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, viên chức, tiền lương, tài chính, tài sản và các trang thiết bị của Viện theo chế độ, chính sách và theo qui định của pháp luật.
c) Tiếp nhận, quản lý, phân phối và kiểm tra kinh phí, thuốc, hoá chất, các vật tư trang thiết bị Y tế chuyên ngành cho địa phương, đơn vị.
d) Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các qui định Nhà nước về thu, chi ngân sách của Viện, từng bước hạch toán thu chi theo qui định của pháp luật.
e) Triển khai các dịch vụ khoa học kỹ thuật, các dự án hợp tác trong nước và quốc tế để hỗ trợ hoạt động chuyên môn, tăng thêm nguồn kinh phí cho Viện và cải thiện đời sống viên chức trong Viện.

Viện được quyền tự chủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân cấp của Bộ Y tế, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và trước pháp luật về hoạt động của mình. 

Thống kê truy cập

Đang online: 84

Số lượt truy cập: 22,979,659