Bệnh Sốt mò đang xảy ra ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Yên Bái.  10/7/2014 4:56:56 PM

Bệnh Sốt mò Scrub typhus (hay sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản, sốt Rickettsia) là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C.

Bệnh Sốt mò Scrub typhus (hay sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản, sốt Rickettsia) là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C. Tác nhân gây bệnh là Rickettsia tsutsugamushi hay Orientia tsutsugamushi, tồn tại ngoài thiên nhiên, do ấu trùng mò (Trombiculidae) truyền ngẫu nhiên sang người qua vết đốt của chúng. Bệnh lưu hành chủ yếu ở khu vực Châu Á và Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam sốt mò đã được Noc. Goutron phát hiện tại Sài Gòn vào năm 1915. Từ đó đến nay, bệnh tiếp tục xảy ra ở vùng trung du và rừng núi của Việt Nam. Đặc biệt sau năm 1990, bệnh sốt mò có xu hướng quay trở lại và mở rộng vùng phân bố. Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2000-2002 có 449 bệnh nhân bị sốt mò vào điều trị tại bệnh viện Uông Bí. Từ đầu tháng 3/2001 đến hết tháng 2/2003 tại Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới có 255 ca sốt mò từ 24 tỉnh và thành phố của Miền Bắc về điều trị. Từ năm 2009 – 2010, tại Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ngãi có 83 bệnh nhân sốt mò.

Tại tỉnh Nghĩa Lộ (cũ) nay thuộc tỉnh Yên Bái, những năm 1970-1971, bệnh sốt mò đã xảy ra ở một số địa phương, sau nhiều năm bệnh đã lắng xuống. Nhưng hiện nay bệnh sốt mò đang xảy ra trên địa bàn  tỉnh Yên Bái với diện khá rộng và số bệnh nhân tăng. Tính từ đầu tháng 4/2014 đến ngày 13/ 9/2014 đã có 78 bệnh nhân sốt mò đến điều trị tại bệnh viện huyện và thị xã. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái, bệnh nhân sốt mò tập trung nhiều nhất ở huyện Văn Chấn (54%), thị trấn Nghĩa Lộ (21%), huyện Trạm Tấu (15%) và huyện Mù Cang Chải (10%). Bệnh nhân chủ yếu gặp ở dân tộc H’Mông và dân tộc Dao, sống nơi rẻo cao. Tuổi của bệnh nhân từ 1 đến 52 tuổi, phụ nữ mắc nhiều hơn nam.

Điều đáng quan tâm là hiện nay các loại thuốc kháng sinh điều trị sốt mò đặc hiệu như Tetracyclin, Doxycyclin … không có trong danh sách cơ số thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ở tuyến Y tế xã. Những địa phương nhiều năm không có bệnh sốt mò nên người dân và cán bộ y tế cơ sở đã “lãng quyên” bệnh này. Do đó những người bị sốt đến trạm xá, cán bộ y tế xã không nghĩ đến bệnh sốt mò, và nếu nghi là bị sốt mò cũng không có thuốc điều trị. Vì vậy trạm Y tế xã phải gửi lên tuyến trên, khi lên bệnh viện tuyến trên bệnh đã nặng, đe dọa đến tính mạng.

Để phòng chống bệnh sốt mò kịp thời, đề nghị các cơ sở Y tế cần tuyên truyền cho cộng đồng dân cư về tác hại và cách phòng chống bệnh sốt mò.

PGS.TS. Nguyễn Văn Châu

Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung Ương

ĐT: 0982331949;  Email: vanchaunimpe@yahoo.com

Thống kê truy cập

Đang online: 68

Số lượt truy cập: 22,970,567