Những điều ít biết về bệnh sán lá phổi tại việt nam  10/9/2013 1:38:19 PM

Bệnh sán lá phổi do loài sán hình bầu dục, to bằng hạt cà phê (bằng hạt lạc nhỏ) ký sinh trong phổi hoặc màng phổi. Sán lá phổi tạo nên những ổ áp xe bằng đầu ngón tay và gây ho ra máu hoặc tràn dịch màng phổi.

Text Box:  Nguồn ảnh: Tờ rơi phòng chống bệnh sán lá phổi (WHO - NIMPE)Bệnh sán lá phổi là gì?

Bệnh sán lá phổi do loài sán hình bầu dục, to bằng hạt cà phê (bằng hạt lạc nhỏ) ký sinh trong phổi hoặc màng phổi. Sán lá phổi tạo nên những ổ áp xe bằng đầu ngón tay và gây ho ra máu hoặc tràn dịch màng phổi.

Biểu hiện ở bệnh nhân sán lá phổi: Những người ho kéo dài, từng đợt ho ra máu hoặc đờm nâu đen hoặc tràn dịch màng phổi, thường không sốt, ít suy sụp, đã từng ăn cua đá chưa nấu chín (cua nướng)  hoặc ở trong vùng có cua đá, thường gặp ở trẻ em.

Đôi khi sán lá phổi ký sinh ở nơi khác như phúc mạc, dưới da, tinh hoàn, đặc biệt ở não gây các triệu chứng về thần kinh như co giật, động kinh, nhức đầu, liệt...

 Nguyên nhân nào khiến người bị nhiễm bệnh sán lá phổi?

Có trên 10 loài trong số hơn 40 loài sán lá phổi thuộc giống Paragonimus gây bệnh sán lá phổi ở người và động vật. Tại Việt Nam sán lá phổi trên người được xác định là loài P. heterotremus.

Chu kỳ phát triển của sán lá phổi



Hình 1. Chu kỳ phát triển sán lá phổi

1. Sán lá phổi đẻ trứng, trứng theo đờm xuống họng ra ngoài môi trường hoặc theo phân khi nuốt đờm, rơi vào môi trường nước 

2 3. Ở môi trường nước trứng phát triển và nở ra ấu trùng lông 

4. Ấu trùng lông chui vào ốc để phát triển thành ấu trùng đuôi

5. Ấu trùng đuôi rời ốc bơi tự do trong nước, thâm nhập vào tôm cua nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành nang trùng ở trong thịt và phủ tạng của tôm cua.

   Ở Việt Nam đã phát hiện loài cua đá Potamicus sp. mang ấu trùng sán lá phổi (loài cua này sống ở các suối đá tại các tỉnh miền núi như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái...)

6.  Người (hoặc động vật) ăn phải tôm, cua nước ngọt  có ấu trùng nang chưa được nấu chín như: cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống...

7. Sau khi ăn: ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng rồi từng đôi một xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào phế quản phổi để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành mất 5,5-6 tuần

Tuổi thọ của sán lá phổi là 6-16 năm, nhưng cũng có bệnh nhân mắc bệnh trên 30 năm không tự khỏi

Phổi là nơi sống chủ yếu của sán lá phổi, song chúng có thể ký sinh ở màng phổi, màng tim, phúc mạc, dưới da, gan, ruột, não, tinh hoàn...Tại những cơ quan này sán lá phổi tạo nên những ổ áp xe và gây những triệu chứng đặc hiệu.

Như vậy: người nhiễm bệnh sán lá phổi do ăn phải cua/ tôm nhiễm ấu trùng sán lá phổi còn sống (chưa nấu chín).

 Tại Việt Nam ăn loại cua tôm nào sẽ bị nhiễm bệnh sán lá phổi?

Điều tra về vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá phổi tại Việt Nam cho thấy cua đá thuộc giống Potamiscus (P. mieni, P. tannanti Potamiscus spp.) nhiễm ấu trùng sán lá phổi. Giống cua này sinh sống ở các suối đá thuộc các tỉnh miền núi Việt Nam.

 Hình 2. Cua đá (cua suối) và ấu trùng sán lá phổi thu được trong quá trình xét nghiệm. (Nguồn ảnh: (A) và (B) từ tờ rơi phòng chống bệnh sán lá phổi (WHO - NIMPE), (C) ấu trùng sán lá phổi loài P. heterotremus thu từ cua suối loài Potamiscus tannanti

Đã phát hiện ít nhất 5 loài ấu trùng sán lá phổi trong cua suối gồm: P. heterotremus,  P. vietnamensis sp. nov., P. proliferus, P. westermani and P. bangkokensis. Chưa tìm thấy ấu trùng sán lá phổi trong cua đồng và tôm thậm chí trong vùng dịch tễ bệnh sán lá phổi, kể cả nơi có cả cua đồng và cua đá cùng chung sống.

Bệnh sán lá phổi có ở các tỉnh nào?

Đến nay đã phát hiện ít nhất 10 tỉnh có người nhiễm bệnh sán lá phổi

 


Hình 3. Bản đồ phân bố và tỷ lệ nhiễm sán lá phổi ở Việt Nam (đến 2013)

Ngoài ra, tại Quảng Trị đã tìm thấy ấu trùng sán lá phổi loài Paragonimus westermani trên cua đá Potamiscus spp. nhưng chưa xác định có bệnh nhân sán lá phổi

Chẩn đoán bệnh sán lá phổi như thế nào?

Chẩn đoán lâm sàng

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh sán lá phổi phụ thuộc vị trí ký sinh của sán và mức độ biểu hiện của bệnh, sức khoẻ người bệnh.

Các biểu hiện triệu chứng chính của bệnh sán lá phổi như:

+ Ho kéo dài, có khi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

+ Bệnh tiến triển từng đợt cấp tính, thời gian giữa các đợt và thời gian kéo dài từng đợt phụ thuộc mức độ bệnh và sức đề kháng của người bệnh.

+ Ho ra máu, ra máu màu đỏ tươi hoặc màu nâu hoặc màu rỉ sắt, có khi ho ra nhiều máu tươi một lúc, nhưng hầu hết là ho ra ít máu lẫn với đờm. Đây là triệu chứng dễ nhầm với lao.

+ Hầu hết các bệnh nhân đều không sốt và cơ thể ít suy sụp. Đây là dấu hiệu để phân biệt với lao.

+ Tức ngực, khó thở là triệu chứng cơ năng không đặc hiệu.

+ Nghe phổi có ran ngáy, ran rít là triệu chứng thực thể không đặc hiệu.

+ Tràn dịch màng phổi khi sán kí sinh trong màng phổi. Tràn dịch do sán lá phổi tái phát nhanh sau khi chọc hút dịch và đặc biệt luôn luôn có dày dính màng phổi nhưng không thấy hình ảnh vôi hoá.

+ Có trường hợp với hội chứng não. Sau khi điều trị sán lá phổi các triệu chứng não biến mất nhưng không có điều kiện chụp CT scanner não. Điều này cần được nghiên cứu thêm.

+ Trong thực tế tại Sìn Hồ Lai Châu, có trường hợp với hội chứng não, sau khi điều trị sán lá phổi các triệu chứng não biến mất.

+ Hầu hết các bệnh nhân không có tình trạng nhiễm trùng như lao (trừ trường hợp bội nhiễm hoặc phối hợp với lao).

+ Trong vùng có cua đá, đặc biệt là trẻ em.

Chẩn đoán cận lâm sàng

+ Xét nghiệm tìm trứng sán trong đờm, phân hoặc dịch màng phổi

+ Hình ảnh tổn thương trên Xquang phổi

+ Bạch cầu ái toan tăng cao

+ Kháng thể đặc hiệu tăng trong máu

Điều trị bệnh sán lá phổi như thế nào?

Hiện nay, thuốc thiết yếu điều trị sán lá phổi là Praziquantel.

Praziquantel có các biệt dược Billtricide, Distocide, Cestocide, Trematodicide, Cysticide, Cesol, Cestox , Pyquiton.

·        Tác dụng: Praziquantel có tác dụng với các loại sán lá và sán dây (trừ Fasciola).

·        Tác dụng không mong muốn: Thường ở mức độ nhẹ, tự khỏi và bệnh nhân có thể chịu được. Đó là các biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, buồn nôn, khó chịu vùng hạ vị, mẩn ngứa và có thể sốt.

·        Cách đề phòng tác dụng phụ:

+ Uống thuốc lúc ăn no, chia 3 lần trong ngày, cách nhau 4-6 giờ.

+ Nghỉ ngơi tại chỗ ít nhất 24 giờ sau khi uống thuốc.

+ Không uống bia, rượu hoặc chất kích thích.

- Chống chỉ định:

+ Phụ nữ có thai 3 tháng đầu (mặc dầu trên động vật không có độc tính với thai).

+ Với phụ nữ nuôi con nhỏ, không cho con bú trong vòng 72 giờ dùng thuốc.

+ Đang nhiễm trùng cấp tính hoặc suy gan, thận.

+ Dị ứng với Praziquantel. 

Phòng bệnh sán lá phổi như thế nào?

- Trong bệnh sán lá phổi tại Việt Nam, chống nhiễm bệnh bằng cách không ăn cua đá (cua suối) nướng, hoặc cua chưa nấu chín dưới mọi hình thức như mắm cua, uống nước cua sống, cua suối nấu bột chưa chín kỹ ... là biện pháp khả thi, vừa có hiệu quả cao, vừa ít tốn kém bằng giáo dục truyền thông.

- Giải quyết mầm bệnh bằng điều trị đặc hiệu  cho người bệnh (là cần thiết để đảm bảo sức khoẻ cho bệnh nhân) và súc vật mang bệnh (ổ bệnh tự nhiên).

 


Hình 4. Bắt cua suối và nướng ăn tại chỗ là tập quán thường gặp ở miền núi
và là nguy cơ mắc bệnh sán lá phổi


Lời bàn:

- Mặc dầu ca bệnh sán lá phổi đầu tiên ở Việt Nam đã đư­ợc Monzel thông báo từ năm 1906, như­ng mãi đến cuối 1993 đầu năm 1994, nhân 1 bệnh nhân chẩn đoán nhầm là lao từ nhiều bệnh viện chuyển tới Bệnh viện Lao Trung ương, đoàn công tác Viện Sốt rét-KST-CT TƯ và Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện ổ bệnh sán lá phổi đầu tiên tại Sìn Hồ Lai Châu.

Sau đó Viện Sốt rét - KST - CT.TƯ từ 1994 đến 2013 đã phát hiện 10 tỉnh có bệnh sán lá phổi lưu hành (xem bản đồ). Do địa hình rừng núi nước ta rộng lớn là điều kiện sinh sống của cua đá và là vật chủ trung gian của sán lá phổi nên chúng ta cần tiếp tục điều tra rộng hơn để xác định đầy đủ về sự lưu hành của bệnh. Ví dụ tại Quảng Trị đã tìm thấy ấu trùng sán lá phổi trong cua đá nên cần xác định có ở trên người hay không?

- Cho đến nay, đã tìm thấy sự có mặt của trên 5 loài ấu trùng sán lá phổi trong vật chủ trung gian là cua đá, nhưng chỉ mới xác định 1 loài nhiễm cho người, nên cần tiếp tục nghiên cứu về thành phần loài sán lá phổi trên người tại nước ta.

- Tuy vậy, được sự tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới đã tiến hành phòng chống sán lá phổi tại những địa phương có bệnh và làm giảm đáng kể bệnh hiện nay.

- Nếu chúng ta ăn cua nấu chín kỹ kể cả cua đá cũng không sợ nhiễm bệnh, còn cua đồng lại càng yên tâm hơn vì đến nay vẫn chưa tìm thấy ấu trùng sán lá phổi trong cua đồng.

- Tuy vậy, ngành y tế chúng ta cũng cần lưu ý không để tình trạng chẩn đoán nhầm với lao như trước đây gây nhiều thiệt hại cho bệnh nhân và xã hội vì bệnh sán lá phổi chỉ điều trị trong 2 ngày nhưng nếu chẩn đoán nhầm lao như trước đây thì nhiều bệnh nhân phải điều trị lao hàng chục năm, có bệnh nhân tới 30 năm không khỏi bệnh. 

BS. Nguyễn Thị Hợp
Khoa Ký sinh trùng - Viện Sốt rét - KST - CT TƯ


Thống kê truy cập

Đang online: 148

Số lượt truy cập: 22,979,723