Phòng chống sốt xuất huyết: Nhiều hộ dân vẫn “cửa đóng, then cài” - Vì sao?  10/7/2015 5:41:11 PM

Hiện đã có 43.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 28 trường hợp tử vong tại 53 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện đã có 43.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 28 trường hợp tử vong tại 53 tỉnh, thành phố trên cả nước. Để ngăn chặn dịch SXH còn diễn biến phức tạp, thời gian qua ngành y tế liên tục có các chiến dịch tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch: tuyên truyền diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất... Tuy nhiên, một tỷ lệ không nhỏ người dân vẫn có ý thức không tốt, nhiều người không hợp tác với việc phòng chống dịch bệnh.

 

Sợ thuốc phun muỗi ảnh hưởng tới... sức khỏe

Dù đội phòng dịch gồm nhân viên y tế mang bình phun muỗi, tổ trưởng tổ dân phố cùng hội phụ nữ và gọi loa trước cửa nhưng bà Hòa từ chối bởi lo lắng: “Nhà tôi có cháu nhỏ, sợ thuốc ảnh hưởng”. Chị Nguyễn Thị Ánh nhất quyết không mở cửa và cho rằng: “Nhà tôi thoáng, sạch, không phải nơi ẩm thấp, chẳng có lý do gì để phải phun thuốc diệt muỗi truyền bệnh SXH”... Thậm chí, nhiều người còn hiểu lầm về cơ chế sinh sản và phát triển của muỗi gây bệnh SXH. Chị Hương cho rằng, “muỗi truyền bệnh SXH chỉ  nơi tối tăm ẩm thấp, đẻ ở cống rãnh ao tù nên nhà cửa là nơi sạch sẽ, muỗi sẽ không trú ngụ, đẻ trứng”. Trên đây là những ghi nhận của phóng viên tại buổi phun hóa chất phòng bệnh SXH của Trạm Y tế phường Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội (một trong những điểm nóng dịch bệnh SXH) sáng 28/9.

Tổ trưởng Tổ dân phố 63, phường Tương Mai cho biết, mặc dù biết không mất bất kỳ khoản chi phí nào và trước đó một tuần, tổ đã thông báo lịch phun thuốc đến từng hộ dân nhưng tới ngày triển khai, rất nhiều hộ “cửa đóng, then cài”. Đa phần số này cho rằng, thuốc diệt muỗi độc hại, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Theo đánh giá sơ bộ, tổ 63 phường Tương Mai có 133 hộ thì có tới gần 30 hộ (chiếm 20% số hộ) không có nhà hoặc không đồng ý phun thuốc.

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện phun hóa chất phòng chống SXH, một cán bộ thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Hà Nội, đồng thời là người giám sát việc phun hóa chất tại phường Tương Mai cho biết, khó khăn lớn nhất khi thực hiện đó là việc người dân không hợp tác. “Có nhiều hộ dân đi làm, đóng cửa không có nhà thật, chúng tôi đành phun ngoài cửa. Tuy nhiên như vậy cũng chưa thực sự có tác dụng diệt muỗi. Vì muỗi vằn cư trú, sinh nở ở những nơi nước sạch, ngay trong chính những nơi bà con không ngờ nhất như: lọ hoa để nước lâu ngày, nước bể cá, nước ở hòn non bộ, nước làm mát ở phía sau tủ lạnh... Điều này đã cản trở rất nhiều tới công tác phòng, chống dịch, khiến chúng tôi vô cùng vất vả”.

Phòng chống sốt xuất huyết: Nhiều hộ dân vẫn “cửa đóng, then cài” - Vì sao?

Người dân phường Tương Mai (Hà Nội) cố tình “cửa đóng, then cài” khi cán bộ phòng dịch tới phun thuốc vì lý do sợ thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thuốc phun muỗi có gây độc cho con người?

Trước những nghi ngờ của người dân về tác hại của thuốc phun muỗi vằn có ảnh hưởng tới sức khỏe người dân hay không, ông Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định, thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng để dập dịch SXH ở các cụm dân cư không gây độc đối với sức khỏe con người. Các sản phẩm diệt côn trùng hiện nay gồm 3 nhóm: Nhóm có gốc clo hữu cơ, nhóm có gốc phốtpho hữu cơ và nhóm có gốc Pyrethrine. Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng là nhóm Pyrethrine thuộc thế hệ mới nhất, là thuốc hàng đầu và đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền của Việt Nam cho kết quả an toàn. Hiện các nước trên thế giới cũng đang sử dụng loại thuốc này. Ông Phu khuyến cáo, bệnh SXH không lây từ người sang người, không lây qua đường hô hấp mà lây qua muỗi vằn. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chỉ có cách duy nhất phòng bệnh là diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi vằn.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, phun thuốc phòng chống dịch SXH là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian nên việc lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe là lo lắng không có cơ sở. Ông Cảm cũng cho biết, với đặc tính chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất này sẽ khuếch tán trong không gian như đã nói ở trên nên thuốc phun chỉ diệt được muỗi vằn trưởng thành nhiễm virut truyền bệnh SXH ở thời điểm đó chứ không duy trì được lâu dài, mãi mãi. Khi lượng hóa chất đã hết trong không khí, nếu môi trường xung quanh hoặc ở các hộ dân khác vẫn tồn tại muỗi mang mầm bệnh SXH thì muỗi này vẫn có thể tiếp tục bay vào nhà, đốt người. Và như vậy, nguy cơ mắc SXH vẫn xảy ra.

Ông Cảm cũng lưu ý, hiện có hiện tượng một số người đến các hộ gia đình mời chào phun thuốc muỗi và có thể có những hành vi lừa đảo, trộm cướp tài sản. Tuy nhiên, nguồn thuốc này chưa chắc đã đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, liều lượng, thời gian, hướng phun, pha hóa chất, xử lý sau khi phun theo quy định của Bộ Y tế. Đề nghị người dân nếu có nhu cầu phun thuốc nên đến trạm y tế xã, phường hoặc gọi tới đường dây nóng của các sở y tế để được tư vấn đầy đủ, tránh bị lợi dụng. Nếu cụm dân cư nằm trong vùng dịch (tức là có đàn muỗi mang virut SXH) thì đội phòng chống dịch của phường, của trạm sẽ tới phun thuốc dập dịch. Loại thuốc này được miễn phí và người dân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào khi phun chống dịch. Nếu nơi phun hóa chất chống dịch nào thu tiền thì không phải lực lượng chống dịch của ngành y tế. Người dân nếu thấy hiện tượng này cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để xử lý.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính tới thời điểm này, khu vực miền Nam ghi nhận hơn 31.700 trường hợp mắc (chiếm 73,6% số mắc cả nước), đặc biệt tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ; khu vực miền Trung ghi nhận hơn 6.380 trường hợp (chiếm 14,8%); khu vực miền Bắc ghi nhận hơn 3.150 trường hợp (chiếm 7,3%) và khu vực Tây Nguyên ghi nhận hơn 1.850 trường hợp (chiếm 4,3%).



Nguồn: suckhoedoisong.vn

Thống kê truy cập

Đang online: 29

Số lượt truy cập: 21,486,150