Nóng: Nhiều người Hà Nội nhập viện vì sốt xuất huyết Dengue  10/7/2015 10:10:53 AM

Trung bình mỗi ngày BV Nhiệt đới Trung ương khám cho từ 200-300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50-100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue. Do đang trong tình hình dịch SXH bùng phát mạnh, BV phải tiếp đón số bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông.

 Chiều tối ngày 30/9, Đoàn Công tác của Cục quản lý Khám, chữa bệnh do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra, đánh giá tình hình tiếp nhận, điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại BV Bệnh nhiệt đới TW.

TS Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, tính đến ngày 28/9 đã có 648 bệnh nhân SXHD đến khám và điều trị tại BV, riêng tháng 9 có 305 trường hợp mắc SXHD. Trong đó có 568/648bệnh nhân mắc SXHD đến từ Hà Nội, chiếm 88% và chủ yếu bệnh nhân đến từ Quận Hoàng Mai: 153 ca, Quận Hai Bà Trưng: 90 ca, huyện Thanh Trì 63 ca….

Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho từ 200-300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50-100 bệnh nhân mắc SXHD. Do đang trong tình hình dịch SXH bùng phát mạnh, bệnh viện phải tiếp đón số bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông. Hiện bệnh viện có trên 400 bệnh nhân/ 220 giường bệnh, trong đó số bệnh nhân SXH đang điều trị tại bệnh viện gần 80 người. Khoa có số bệnh nhân SXHD đông nhất là khoa Vi rút- Ký sinh trùng có 50 bệnh nhân SXHD/87 bệnh nhân. Một số phòng bệnh đã diễn ra tình trạng quá tải phải nằm ghép 2, ghép 3 bệnh nhân tại giường.



PGS. TS. Lương Ngọc Khuê tại buổi làm việc và kiểm tra tình hình BN
sốt xuất huyết tại BV Nhiệt đới Trung ương

Theo số liệu thống kê của bệnh viện, tổng số bệnh nhân mắc SXH và SXHD nặng có 26 ca, chiếm tỷ lệ 4%. Theo ThS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa Cấp cứu, đa số các ca có thể điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh và thành phố mà không cần lên BV Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị, gây quá tải cho bệnh viện.

Mặc dù bệnh viện đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hạn chế trình trạng quá tải như kê thêm giường, điều chuyển bệnh nhân giữa các khoa…. song theo ThS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút – Ký sinh trùng cho biết, với điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện, mặc dù đã được bệnh viện giải thích bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới, song rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng ký cam kết chịu cảnh nằm ghép để điều trị tại bệnh viện. ThS Nguyễn Tiến Lâm cũng mong muốn các bệnh nhân chia sẻ với những khó khăn của bệnh viện trong giai đoạn dịch SXH bùng phát mạnh như hiện nay. Khi bệnh viện chuyển sang cơ sở II ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội sẽ có đủ giường bệnh để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Tại buổi làm việc, để hạn chế tình trạng quá tải bệnh nhân SXHD đang điều trị bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh đã đề nghị bệnh viện tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm quá tải . Theo đó, Khoa Khám bệnh phải thực hiện tốt công tác phân loại, sàng lọc bệnh nhân. và điều chuyển hợp lý bệnh nhân giữa các khoa. Các trưởng khoa kiểm tra sát sao, đánh giá tình hình, yếu tố dịch tễ, vùng miền của người bệnh mắc SXHD để có những can thiệp kịp trong công tác điều trị bệnh SXHD. Đặc biệt không để bệnh nhân tử vong do SXHD, hạn chế bức xúc của người bệnh. Bệnh viện phải tăng cường vai trò của bệnh viện đầu ngành của cả nước trong điều trị và chỉ đạo tuyến về các bệnh truyền nhiễm . Do đó, BV cần tăng cường công tác đào tạo, rút kinh nghiệm điều trị, đánh giá nhu cầu đào tạo của các bệnh viện tuyến dưới, phối hợp với các bệnh viện vệ tinh của bệnh viện trong địa bàn Hà Nội để hạn chế tình trạng bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị. BV bố trí đội ngũ cán bộ sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới về điều trị SXHD.



Kiểm tra hồ sơ bệnh án điều trị cho bệnh nhân.

BN chấp nhận nằm ghép để được điều trị.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, Cục sẽ chỉ đạo các bệnh viện trong cả nước thực hiện nghiêm công tác chuyển viện; Chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị SXHD gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện đa khoa TW Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp Hồ Chí Minh căn cứ vào các nhiệm vụ tuyến cuối đã được Bộ Y tế giao phải tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công. Tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân tử vong, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, Cục sẽ đề nghị Sở Y tế Hà Nội đánh giá tình hình công tác điều trị SXHD ở các bệnh viện để có những khuyến cáo và điều chỉnh hợp lý hạn chế tình trạng bệnh nhân vượt lên tuyến trên. 

Cùng ngày, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng khuyễn cáo người dân, không điều trị tại nhà, hãy đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cán bộ y tế nên nghĩ tới sốt xuất huyết khi người bệnh bị sốt đến khám; tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết đã được ban hành theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bên cạnh đó cần theo dõi sát các triệu chứng cơ năng và thực thể của người bệnh để phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm đúng theo hướng dẫn đã ban hành; hội chẩn với tuyến trên khi khó chẩn đoán, điều trị. Thực hiện việc chuyển viện an toàn: liên hệ trước nơi nhận, chuẩn bị phương tiện, thuốc, nhân lực hộ tống ngưởi bệnh trên đường chuyển viện, ghi đầy đủ thông tin theo quy định vào giấy chuyển viện của người bệnh.



Nguồn: suckhoedoisong.vn


 

Thống kê truy cập

Đang online: 160

Số lượt truy cập: 21,364,427