Điểm báo ngày 2/10/2015  10/2/2015 11:20:21 AM

Vay vốn xây bệnh viện; Sốt xuất huyết bùng phát, bệnh viện quá tải; 40% số người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế

 Vay vốn xây bệnh viện

Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã mạnh dạn vay hàng trăm tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang, thiết bị. Nhờ đó, bệnh viện có cơ sở trang, thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nguồn vốn đầu tư phát triển bệnh viện, đây được coi là bước đi và cách làm phù hợp.

Hiệu quả rõ nét

Dù được đầu tư khá lớn nhưng đến nay cơ sở hạ tầng của ngành y tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân. Do vậy, thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở KCB, giảm quá tải bệnh viện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người dân là mục tiêu quan trọng được Bộ Y tế đặt ra từ nhiều năm qua. Thực tế cho thấy, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế (30% giá trị công trình), nhiều bệnh viện đã mạnh dạn lập dự án đi vay vốn từ các tổ chức tín dụng (khoảng 70% giá trị công trình) để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị. Và khi đưa vào sử dụng, các công trình đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Đầu năm nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) khánh thành và đưa vào hoạt động tòa nhà kỹ thuật cao có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 240 tỷ đồng. Tòa nhà đi vào hoạt động, bệnh viện có thêm khu chẩn đoán hình ảnh; khu xét nghiệm đồng bộ; 22 phòng mổ, trong đó có hai phòng mổ công nghệ cao đạt tiêu chuẩn châu Âu và 400 giường bệnh điều trị nội trú. Nhờ đó nâng quy mô lên 1.450 giường bệnh (tăng 38%) và có tổng số 52 phòng mổ; Trung tâm ghép tạng có một cơ ngơi khá hoàn chỉnh, là điều kiện tốt cho các bác sĩ thực hiện thường quy các ca ghép thận, gan. Sau bảy tháng đưa vào sử dụng, người bệnh được hưởng cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị mới, chất lượng cao; thời gian chờ mổ ngắn, không phải nằm ghép. Đồng thời giảm đáng kể áp lực cho nhân viên y tế. Đáng chú ý, là công trình đi vay vốn nhưng bệnh viện xác định đầu tư phục vụ mở rộng, cho nên vẫn sử dụng hai phần ba số giường bệnh điều trị cho người bệnh nghèo, người bệnh bảo hiểm y tế, số giường còn lại điều trị theo yêu cầu để có nguồn thu trả cho ngân hàng theo đúng hợp đồng vay vốn…

Đứng trước việc mỗi năm có hàng chục nghìn người Việt Nam ra nước ngoài điều trị bệnh, làm “chảy máu” hàng tỷ USD, Bệnh viện T.Ư Huế đề xuất và triển khai vay vốn ngân hàng để xây dựng Trung tâm điều trị theo yêu cầu có quy mô 300 giường bệnh, sáu phòng mổ. Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, GS Bùi Đức Phú đánh giá: Trung tâm sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia, cán bộ y tế, cán bộ quản lý có trình độ cao từ Bệnh viện T.Ư Huế luân phiên sang làm việc; bảo đảm an toàn vốn đầu tư, đủ khả năng trả lãi và nợ gốc tiền vay và bước đầu tích lũy để phát triển. Đáng chú ý, trung tâm bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều trị, dịch vụ chăm sóc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút nhiều người bệnh ở các tỉnh, thành phố và một số nước đến chữa bệnh dưới dạng du lịch KCB. Sau một năm đi vào hoạt động, Trung tâm khám và điều trị hơn 91 nghìn lượt người bệnh, trong đó có 461 lượt người bệnh ở các nước thuộc khu vực Đông - Nam Á (Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia) và 408 lượt người bệnh từ các nước khác (Mỹ, Ô-xtrây-li-a và nhiều nước châu Âu...).

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay có chín bệnh viện vay khoảng 1.450 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu không đầu tư theo cơ chế vốn ngân sách và vốn vay thì trong ba đến bốn năm nữa các bệnh viện này cũng không thể hoàn thành, đưa vào sử dụng được.

“Dư địa” còn lớn

Tỷ lệ giường bệnh của nước ta hiện mới đạt 24,5 giường bệnh/mười nghìn dân, khá thấp so với các nước trong khu vực. Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết: Nếu lấy mục tiêu đến năm 2020 đạt 26 giường bệnh/mười nghìn dân thì cần đầu tư thêm 22 đến 23 nghìn giường bệnh viện công lập (tương đương 22 đến 23 bệnh viện quy mô 1.000 giường). Còn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 39 giường bệnh/mười nghìn dân thì cả nước phải tăng thêm khoảng 159 nghìn giường bệnh. Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện để tăng số lượng giường bệnh cho cả bốn tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương) là rất lớn. Trong khi đó, vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016- 2020 có hạn, chỉ đủ ưu tiên hoàn thành các dự án chuyển tiếp để đưa vào sử dụng; đầu tư cho y tế dự phòng; y tế cơ sở (những địa phương chưa được đầu tư giai đoạn 2008 - 2016); đầu tư cho các bệnh viện phong, tâm thần, giám định pháp y… Rất khó bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ để đầu tư các bệnh viện, trung tâm khám, chữa bệnh hiện đại, ngang tầm khu vực, cơ sở hai của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, nhất là các chuyên khoa có khả năng thu và xã hội hóa cao như: nhi, phụ sản, mắt, tai mũi họng, da liễu...; các trung tâm KCB theo yêu cầu, kỹ thuật cao của một số bệnh viện đa khoa tại các tỉnh, thành phố lớn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Để đáp ứng nhu cầu vốn, các bệnh viện cần huy động từ các nguồn đầu tư khác, như vay vốn, hợp tác đầu tư, kết hợp công tư… Nghị quyết 93/NQ- CP ngày 15-12-2014 của Chính phủ đã nêu rõ khuyến khích các cơ sở KCB vay vốn để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở KCB trong khuôn viên đất hiện có và được quyết định tổ chức bộ máy, phương thức quản lý phù hợp. Hiện đã có một số ngân hàng dành gói tín dụng ưu đãi 20 đến 30 nghìn tỷ đồng cho các bệnh viện vay xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như mua sắm trang, thiết bị y tế.

Tuy nhiên, nhiều bệnh viện đang vay vốn cho rằng các ngân hàng cần điều chỉnh những ưu đãi cho phù hợp thực tế hơn. Nhiều đơn vị chưa mạnh dạn đi vay do độ rủi ro cao. Các đơn vị đã vay đều có thời gian ân hạn ngắn (24 tháng), trong khi nhiều bệnh viện phải xây ba đến bốn năm mới xong; thời gian trả nợ ngắn (12 năm), lãi suất cao. Trong khi quy định khấu hao từ 30 đến 40 năm, như vậy phải khấu hao nhanh thì mới có nguồn trả, tính đầy đủ chi phí thì giá dịch vụ sẽ cao, trong khi giá bảo hiểm y tế thanh toán chưa có khấu hao. Các bệnh viện đang vay vốn đề nghị các ngân hàng cho vay cần kéo dài thời gian ân hạn (chưa phải trả gốc vay đến khi bệnh viện đưa vào sử dụng); xem xét lãi suất một cách phù hợp (hiện nay vẫn khá cao); giãn tiến độ trả gốc vay những năm đầu, không nên chia đều gốc phải trả cho thời gian vay vì nếu không được hỗ trợ lãi suất, lãi suất các năm đầu lớn, đơn vị trả cả gốc và lãi vay rất khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng xem xét, cần có sự ưu đãi (miễn, giảm) về thuế thu nhập đối với khu vực mới được xây dựng.

Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Nguyễn Thị Bích Hường cho rằng, bản thân mỗi bệnh viện cần xác định đúng nhu cầu trước khi vay vốn. Bên cạnh đó, cần bảo đảm kết nối với hiện trạng hiện có của bệnh viện; xác định và thực hiện theo đúng tiến độ dự án, từ xây lắp đến đầu tư trang, thiết bị và bố trí nguồn nhân lực.

Thực hiện Thông báo 220/TB-VPCP ngày 2-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ, có 18 đơn vị đăng ký vay vốn. Bộ Y tế đã phê duyệt một số dự án đầu tư, nguồn vốn ngân sách nhà nước (khoảng 30%) và vốn vay (khoảng 70%); các đơn vị chịu trách nhiệm trả gốc và lãi vay. Đến nay có chín đơn vị đã vay khoảng 1.450 tỷ đồng, gồm các bệnh viện: Hữu nghị Việt Đức, Phụ sản T.Ư, Nội tiết T.Ư, Tai Mũi Họng T.Ư, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Răng hàm mặt T.Ư TP Hồ Chí Minh, T.Ư Huế và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Lãi suất vay từ 6,9% đến 11,4%/năm, tùy theo hợp đồng; hiện nay là 8,55%. Các đơn vị đã trả hơn 525 tỷ đồng lãi và gốc vay. Nhân dân (trang 1) 

Sốt xuất huyết bùng phát, bệnh viện quá tải

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư những ngày này, tình trạng nằm ghép 2-3 người/giường, kê thêm giường bệnh xảy ra thường xuyên. Đặc biệt, thời gian qua có tới 568/648 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) đến từ Hà Nội, chiếm 88%.

TS Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, tính đến ngày 28/9 đã có 648 bệnh nhân SXH đến khám và điều trị, riêng tháng 9 có 305 trường hợp mắc SXH. Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho từ 200-300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50-100 bệnh nhân mắc SXH. 

Do đang trong tình hình dịch SXH bùng phát mạnh, bệnh viện phải tiếp đón số bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông nên rơi vào tình trạng quá tải. Hiện bệnh viện có trên 400 bệnh nhân/220 giường bệnh, trong đó số bệnh nhân SXH đang điều trị tại bệnh viện gần 80 người. Theo số liệu thống kê của bệnh viện, tổng số bệnh nhân mắc SXH nặng có 26 ca, chiếm tỷ lệ 4%.

Khoa Virus-Ký sinh trùng có số bệnh nhân SXH đông nhất với 50 bệnh nhân. Bệnh nhân chủ yếu là người lớn, tuổi từ 18-35, hầu hết bệnh nhân nhập viện sống tại các khu vực nóng của dịch SXH ở Hà Nội. Mỗi ngày tại khoa tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân nặng phải nhập viện, trong khi đó số bệnh nhân cũ chưa kịp ra viện đã dẫn đến tình trạng quá tải. Tiền phong (trang 1), Công an nhân dân (trang 4), Gia đình & xã hội (trang 7), Nông thôn ngày nay (trang 5), Tuổi trẻ (trang 2) 

40% số người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế

Ngày 1/10, Hội Y tế công cộng Việt Nam tổ chức hội thảo “Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống người cao tuổi” với sự tham gia của đại diện các viện, hội nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi.

Đại diện Hội Y tế công cộng cho biết: Hội đã tiến hành nghiên cứu để “Đánh giá ban đầu về chất lượng cuộc sống người cao tuổi tại 3 huyện thuộc 3 tỉnh của Việt Nam” từ tháng 4-9/2015 trên tổng số 597 người trên 60 tuổi tại 12 xã ở 3 huyện Tiền Hải (Thái Bình), huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) và huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). 

Thạc sỹ Lê Minh Quang, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cho biết hiện nay, người cao tuổi Việt Nam có tuổi thọ tăng; 30% người cao tuổi sống một mình hoặc sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi; còn khoảng 40% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế. 

Thạc sỹ Lê Minh Quang, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cho biết hiện nay, người cao tuổi Việt Nam có tuổi thọ tăng; 30% người cao tuổi sống một mình hoặc sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi; còn khoảng 40% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Gia đình & xã hội (trang 6) 

Bệnh viện Xanh Pôn: Thực hiện thành công phẫu thuật thay khớp vai

Ngày 1-10, Bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay khớp vai cho bệnh nhân Ngô Văn Nhàn (60 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) - một trong những kỹ thuật khó của ngành xương khớp. 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã trực tiếp đến động viên bệnh nhân và ê kip bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật. Bệnh nhân Ngô Văn Nhàn, công nhân cơ khí, trước đó đã từng bị chấn thương vai phải và phải phẫu thuật. 

Gần đây, bệnh nhân thường xuyên xuất hiện các cơn đau vai nặng, sau khi thăm khám tại Bệnh viện Xanh Pôn được bác sĩ tư vấn làm phẫu thuật thay khớp vai. Đây là trường hợp thứ hai được Bệnh viện Xanh Pôn thực hiện thành công kỹ thuật khay khớp vai. An ninh thủ đô (trang 3)

Thường xuyên kiểm tra đột xuất nguồn cung cấp thực phẩm trường học

Ngày 1-10, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Y tế đã họp triển khai kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống dịch bệnh năm học 2015-2016. 

Hiện, Hà Nội có 1.410 trường có bếp ăn tập thể với trung bình 1.410.000 suất ăn/ngày. Kết quả kiểm tra tính đến tháng 7-2015 tại 30 quận, huyện chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn hay suất ăn sẵn. 

Tuy nhiên, để tăng cường công tác quản lý ATTP trong trường học, ngành y tế đề xuất Sở GD-ĐT Hà Nội  chủ động phối hợp với các cơ sở y tế địa phương thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến thức ăn sẵn, nguồn cung cấp thực phẩm cho nhà trường. An ninh thủ đô (trang 3) 

Khắc phục khan hiếm nước trong bệnh viện

Chiều 1.10, Công ty nước sạch Hà Nội đã có buổi làm việc với Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội. Ông Trịnh Kim Giang, Phó tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội, cho biết để khắc phục mất nước do sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, công ty đã cấp nước cho BV Phụ sản Hà Nội bằng xe bồn, cùng với đó tiến hành lắp đặt máy bơm từ đường ống để cấp thêm nước ngoài nguồn đã cung ứng bằng xe bồn. Ông Giang cũng đề nghị BV cần tăng cường thêm các bể chứa nước và nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước nội bộ.

Về nguyên nhân khan hiếm nước tại BV K T.Ư (Bộ Y tế), một lãnh đạo của BV này cho biết tại đây đang xây dựng, sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, nên cắt nước luân phiên phục vụ thi công, việc cấp nước thực hiện 2 - 3 lần trong ngày phục vụ nhu cầu cơ bản của bệnh nhân và người nhà. Tình trạng này sẽ còn diễn ra trong 2 - 3 tuần tới.

Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco), cho biết nước cấp cho BV 19-8 đã bình thường ngay sau sự cố ngày 29.9. Việc thiếu nước như phản ảnh là do hệ thống cấp nước trong BV đang gặp sự cố. Ông Việt cho biết đã khuyến cáo đơn vị này cần đầu tư thêm để cải thiện hệ thống dẫn, dự trữ nước sạch đề phòng những dịp mất nước dài ngày. Thanh niên (trang 3) 

Nhiều sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, vì sao?

Từ đầu năm 2015 đến hết tháng 9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã xử phạt tổng số tiền 3,1 tỷ đồng liên quan đến sai phạm ATTP, trong đó có hơn 2,4 tỷ đồng sai phạm về thực phẩm chức năng (TPCN), gồm quảng cáo quá công dụng sản phẩm, quảng cáo không đúng nội dung được cấp phép, ghi nhãn sai quy định... Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 30/9, lãnh đạo Cục ATTP thừa nhận, con số này chưa phản ánh hết thực tế thị trường TPCN rất sôi động hiện nay. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP xung quanh vấn đề này...

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về việc tại sao vi phạm trong quảng cáo TPCN lại chiếm tỷ lệ lớn đến 80% tổng số vi phạm chung về ATTP?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Trong số những vi phạm về TPCN thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, chủ yếu số lượng doanh nghiệp vi phạm về thực phẩm là vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt, ghi nhãn sai quy định).

Bên cạnh đó, hiện nay việc in quảng cáo về TPCN trên tờ rơi hoặc quảng cáo trên các trang web chưa được cấp phép, thậm chí trên các trang mạng xã hội đang là vấn đề rất nhức nhối. Đã có rất nhiều người thông tin đến tôi về việc có một số đối tượng quảng cáo, bán thực phẩm là hàng xách tay, đặc biệt là TPCN. Tôi phải khẳng định lại một lần nữa là, đối với các sản phẩm là hàng xách tay, bán ra thị trường dưới mọi hình thức là vi phạm pháp luật. Bởi, hàng xách tay chỉ được sử dụng với mục đích phục vụ cá nhân.

Trước những sai phạm của thị trường TPCN, từ đầu năm 2015 đến nay, Cục ATTP đã thu hồi 11 giấy xác nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, 5 giấy xác nhận quảng cáo, thu hồi tiêu hủy nhiều loại thực phẩm không đảm bảo ATTP, tạm dừng lưu thông 49 lô sản phẩm thực phẩm, chuyển cơ quan chức năng xử lý 15 trường hợp. Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng phối hợp với cơ quan chức năng tiêu hủy 2 sản phẩm thực phẩm và 230kg thực phẩm không đảm bảo ATTP.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân của những sai phạm về quảng cáo TPCN?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Trước hết, phải khẳng định TPCN có vai trò to lớn trong việc dự phòng đối với sức khỏe, tuy nhiên không thần thánh hóa việc TPCN chữa được bách bệnh. Theo quy định, trước khi quảng cáo, nội dung phải được cơ quan chuyên môn thẩm định. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn bán nhiều sản phẩm thu lợi nhuận nên đã bất chấp sai phạm, cố tình quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, “đánh” vào tâm lý của người tiêu dùng là dễ nghe và tin quảng cáo nên đã thổi phồng công dụng của sản phẩm, trong khi trên thực tế, chất lượng của sản phẩm không như quảng cáo. Thực tế này qua công tác thanh, kiểm tra và giám sát hậu kiểm, chúng tôi đã phát hiện ra khá nhiều. Do đó, trong việc ghi nhãn và trong qui định bao bì của sản phẩm TPCN, chúng tôi đã yêu cầu nhà sản xuất, phân phối trên nhãn sản phẩm phải ghi rõ sản phẩm này không phải là thuốc chữa bệnh, không thay thế thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý, để xảy ra tình trạng này, tôi thừa nhận có trách nhiệm của chúng tôi khi công tác thanh, kiểm tra chưa tiến hành triệt để. Do vậy thời gian tới, Cục ATTP sẽ xử lý nghiêm với hành vi vi phạm như phạt tiền, rút giấy phép, công khai sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, cơ quan phát hành quảng cáo “siết” quảng cáo TPCN.

PV: Thưa ông, không chỉ có sai phạm trong quảng cáo, hiện nay tình trạng TPCN giả, nhái cũng bị cơ quan chức năng phát hiện không ít?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Quy luật chung trên thị trường là khi nhu cầu về sản phẩm nào đó càng lớn, được ưa chuộng thì sẽ xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất hàng giả, hàng nhái. TPCN cũng không nằm ngoài quy luật này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ thị trường TPCN liên tiếp bị phát hiện sai phạm như thời gian qua là do cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm chưa có quy định riêng về điều kiện sản xuất TPCN, quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Trong sản xuất thực phẩm, trong đó có TPCN, cơ quan quản lý nhà nước chỉ mới quy định 3 yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện con người và trang thiết bị kỹ thuật. Đây là hạn chế không riêng gì của Việt Nam mà trên thế giới cũng chưa có nước nào có quy định riêng về sản xuất TPCN, chỉ có hướng dẫn áp dụng GMP (thực hành sản xuất tốt) trong sản xuất TPCN. Hiện Bộ Y tế đang làm việc với các cơ quan liên quan để ban hành quy chuẩn GMP với sản xuất TPCN ở Việt Nam.

Theo lộ trình, muộn nhất trong năm 2017-2018 Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn này với TPCN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! Sức khỏe đời sống (trang 3) 

Cứu sống trẻ sơ sinh bệnh tim phức tạp: Kỷ lục mới của tim mạch nhi khoa

Như báo SK&ĐS đã đưa tin: ngày 3/9/2015 cháu Lưu Đình Đ.K. bị bệnh cơ tim giãn do tim nhanh gây ra là trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất (6kg) ở Việt Nam đã được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cứu sống bằng kỹ thuật triệt đốt đường dẫn truyền xung điện trong tim bất thường. Vậy mà chỉ 20 ngày sau, một kỷ lục mới đã sớm được các bác sĩ nơi đây thiết lập: cứu sống trẻ sơ sinh cân nặng chỉ 3kg với bệnh lý tim mạch còn nặng nề và phức tạp hơn nhiều.

Bệnh tim nguy kịch từ lúc mới sinh

Bé trai Vũ Chính Dương (Ngô Quyền, Hải Phòng), được sinh ra đủ tháng với cân nặng 2.6 kg và phải mổ đẻ vì suy thai. Bé bị suy hô hấp ngay sau sinh, và được chuyển từ BV Phụ sản Hải Phòng sang BV Nhi Hải Phòng. Các bác sĩ phát hiện bé bị bệnh tim bẩm sinh bé (phải thở ôxy liên tục do suy hô hấp). Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh không cải thiện, nên em bé được chuyển đến Khoa Sơ sinh, BV Nhi Trung ương. Tại đây, bé được chẩn đoán bệnh tim kết hợp, không những bị thông sàn nhĩ thất toàn bộ (một loại tim bẩm sinh phức tạp) có tăng áp động mạch phổi nặng; mà còn bị hội chứng Wolff-Parkinson-White (đây là một hội chứng rối loạn nhịp nhanh do tồn tại đường dẫn truyền xung điện bất thường bẩm sinh trong tim) có cơn nhịp nhanh nguy kịch. Trong thời gian nằm tại Khoa Sơ sinh, bé đã nhiều lần lên cơn nhịp nhanh (250 lần/phút) kháng các thuốc điều trị loạn nhịp thông thường, trong cơn nhịp nhanh bé suy thở và suy giảm huyết động nặng, và đã phải cấp cứu cắt cơn nhịp nhanh nhiều lần.

Ca bệnh nan giải đầy thách thức

ThS.BS. Nguyễn Thanh Hải, Trung tâm can thiệp Tim mạch và Điện sinh lý, BV Nhi Trung ương cho biết: Đây là một ca bệnh rất hiếm gặp và rất nguy kịch, em bé có thể tử vong do suy tim nếu cơn nhịp nhanh không được kiểm soát hoặc có thể đột tử bất cứ lúc nào nếu xuất hiện loại loạn nhịp nguy hiểm. Bản thân bệnh tim bẩm sinh thông sàn nhĩ thất toàn bộ của bé đã là rất nặng rồi và gánh nặng bệnh và nguy cơ tử vong còn cao hơn nhiều khi có rối loạn nhịp kèm theo.

Cho đến nay, điều trị rối loạn nhịp nhanh ở trẻ nhỏ dưới 15kg vẫn là phương pháp dùng các thuốc chống loạn nhịp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp trẻ không hoặc rất kém đáp ứng với các thuốc này, khi đó điều trị bằng can thiệp đốt điện là giải pháp cuối cùng. Mặc dù can thiệp bằng đốt điện là sự lựa chọn số một đối với tim nhanh ở người lớn và trẻ lớn, tuy nhiên ở trẻ nhỏ kỹ thuật này có chỉ định hạn chế do tiềm ẩn nguy cơ tai biến cao và nguy cơ tử vong do thủ thuật gây ra. Hơn thế nữa, em bé sơ sinh này còn kết hợp với bệnh tim bẩm sinh phức tạp, cấu trúc quả tim thay đổi dị thường, nên nguy cơ trong khi thực hiện thủ thuật càng cao. Trên thế giới có rất ít trung tâm có thể thực hiện kỹ thuật này ở trẻ nhỏ. Nhưng trước tình trạng bệnh nặng và nguy kịch của em bé lúc này, các bác sĩ không còn lựa chọn nào tốt hơn phương pháp đốt điện bằng năng lượng sóng cao tần điều trị cắt cơn nhịp tim nhanh.

90 phút nghẹt thở chạy đua thời gian cứu sống trái tim bé bỏng

Ngày 23/9/15, tại Trung tâm can thiệp Tim mạch và Điện sinh lý, ê kíp can thiệp do BS. Nguyễn Thanh Hải phụ trách đã tiến hành thủ thuật can thiệp điều trị cho bé. Mọi phương án xử lý tai biến có thể xảy ra trong và sau can thiệp đều được bàn luận và được lập kế hoạch chi tiết.

Bé Dương được gây mê toàn thân, các chức năng sống nhất là huyết áp động mạch xâm nhập được giám sát trong từng giây phút với sự hỗ trợ của các thuốc vận mạch. Ba catheter điện cực chẩn đoán được đưa vào cơ thể: một qua đường miệng vào thực quản đặt sát tim, hai qua đường tĩnh mạch cảnh trong và tĩnh mạch đùi trái vào trong tim. Các bác sĩ nhanh chóng xác định căn nguyên gây tim nhanh là một đường dẫn truyền xung điện bất thường đi xuyên qua vòng van ba lá nối giữa nhĩ và thất.

Sau đó một catheter đốt được thay vào trong tim qua đường tĩnh mạch. Sau khi lập bản đồ hoạt động điện học nội mạc buồng tim, vị trí đường dẫn truyền bất thường được xác định, một dòng điện cao tần được phát ra qua đầu catheter đốt nơi tiếp xúc với mô bệnh với nhiệt độ làm nóng đến khoảng 600C, đưa nhịp tim và hệ thống dẫn truyền trở về bình thường. Trong quá trình làm, các bác sĩ đã phải cấp cứu cắt cơn tim nhanh nhiều lần. Mỗi lần cơn nhịp nhanh xuất hiện, bệnh nhân lại tím tái, huyết áp tối đa tụt thấp chỉ khoảng 30mmHg. Ca can thiệp diễn ra hết sức khẩn trương trong vòng 90 phút vì thời gian can thiệp càng lâu, nguy cơ tổn thương cho em bé càng lớn. Từng động tác trong thủ thuật được các bác sĩ thực hiện hết sức chính xác, nhẹ nhàng và nhanh nhất có thể.

Thành quả của sự phát triển lĩnh vực mũi nhọn

Vẫn tràn đầy cảm xúc sau ca can thiệp, BS. Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: Trường hợp của bé Dương không những là trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất bị loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm được cứu sống bằng công nghệ cao ở Việt Nam, mà còn là một trong rất hiếm trường hợp trên thế giới được báo cáo. Em bé sơ sinh còn quá nhỏ, các mạch máu mong manh, non nớt, trái tim yếu ớt cộng với cấu trúc dị thường... Do vậy từng động tác dịch chuyển catheter trong tim phải hết sức nhẹ nhàng và chính xác, nếu không có thể gây thủng tim, tổn thương mạch máu, hoặc tổn thương hệ thống dẫn truyền trong tim.

Nói về thành công này, PGS. TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc BV cho biết: Đây là thành công của một tập thể đoàn kết. Tại BV Nhi Trung ương, lĩnh vực tim mạch nhi khoa luôn được coi là lĩnh vực mũi nhọn của bệnh viện. Bệnh viện luôn chú trọng đầu tư, đào tạo và phát triển một hệ thống tim mạch nhi khoa hoàn thiện với tất cả các phân ngành như: phẫu thuật tim, can thiệp tim mạch, can thiệp rối loạn nhịp, tim mạch sơ sinh, tim mạch bào thai... Sự phát triển của phân ngành này luôn kéo theo sự đồng phát triển của các phân ngành khác. Trong những ngày tới, cháu bé sẽ tiếp tục được theo dõi ngoại trú và điều trị nội khoa tình trạng tăng áp động mạch phổi do bệnh thông sàn nhĩ thất cho đến khi có đủ điều kiện phẫu thuật sửa chữa bệnh tim bẩm sinh của cháu. Sức khỏe đời sống (trang 4) 

Phẫu thuật thành công ca bướu máu nặng 1,3kg ở trẻ em

Ngày 1/10, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho bé N.N.T.P. (2 tuổi, quê ở Sóc Trăng) có khối bướu máu khổng lồ, nặng 1,3kg.

Ngày 29/9, sau 4 giờ bóc tách, ca mổ đã được thực hiện thành công. Các bác sỹ đã lấy ra một khối bướu máu có trọng lượng 1,3kg - tương đương với trọng lượng của lá gan người lớn. Đây được xem là khối bướu ở gan lớn nhất mà Bệnh viện Nhi đồng 1 phát hiện và điều trị từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, đối với ca bướu máu, nếu không phẫu thuật sớm sẽ gây suy tim. Sau phẫu thuật, mặc dù lá gan phải của bé chỉ còn 25% nhưng các kết quả xét nghiệm cho thấy một phần lá gan phải và lá gan trái vẫn có thể đảm bảo được chức năng như bình thường. Hiện sức khỏe của bé đã ổn định. Sức khỏe đời sống (trang 2)

Thống kê truy cập

Đang online: 407

Số lượt truy cập: 21,489,939