Điểm báo điện tử ngày 21/9/2015  10/2/2015 10:57:20 AM

Chủ động phòng bệnh mùa khai trường; Kinh hoàng công nghệ nước đóng bình;1 người chết, 2 người nguy kịch sau chầu nhậu; 88% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn trễ; Sốt xuất huyết tăng ở đô thị, khu công nghiệp

 Chủ động phòng bệnh mùa khai trường

Tại buổi gặp mặt báo chí về phòng chống dịch bệnh trong trường học, ngày 27/8, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hiện nay, cả nước có khoảng trên 40.000 trường học với khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên.

Tại buổi gặp mặt báo chí về phòng chống dịch bệnh trong trường học, ngày 27/8, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hiện nay, cả nước có khoảng trên 40.000 trường học với khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên. Vì vậy, nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh trong trường học là rất cao do đây là nơi tập trung đông người và điều kiện vệ sinh trường học tại nhiều địa phương chưa được đảm bảo.

Theo Cục Y tế dự phòng, một số dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong học sinh, sinh viên mùa khai trường năm 2015 là bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh cúm, Ebola, MERS - CoV... Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virut Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Đây là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh Đồng bằng sống Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung. Bệnh xuất hiện quanh năm ở miền Nam và miền Trung, thường xảy ra từ tháng 4- 11 ở miền Bắc và Tây Nguyên. Bệnh sốt xuất huyết thường có số mắc cao từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh.

Để phòng bệnh trong trường học, ngành y tế cần tăng cường truyền thông các nội dung phòng bệnh sốt xuất huyết cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh. Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tại gia đình. Hàng tuần, nhà trường phải kiểm tra tất cả những nơi có chứa nước trong khuôn viên trường học (bể nước dự trữ, bể nước cứu hỏa, bể nước nhà vệ sinh...); thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải); theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh, trẻ em...

Đề phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, nhà trường cần phối hợp với ngành y tế để tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức, thay đổi hành vi; đồng thời tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên hàng năm nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng; đặc biệt là bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa...

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut đường ruột gây ra. Bệnh dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa và tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng bệnh tay chân miệng trong trường học, nhà trường cần phối hợp với ngành y tế vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại hộ gia đình... Các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và người trông trẻ; nhất là trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ...; thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập...

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/chu-dong-phong-benh-mua-khai-truong-2015091814535479.htm

Kinh hoàng công nghệ nước đóng bình

Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình sử dụng nguồn nước ô nhiễm, xử lý qua quýt bằng phương pháp thủ công. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nước chứa một số vi khuẩn gây tiêu chảy, thủng giác mạc, viêm đường tiết niệu… hoặc chứa quá nhiều fluor gây đen răng, mục xương.

Kiểm tra một cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện chủ cơ sở dùng nguồn nước giếng khoan để đóng bình, sau đó xử lý qua loa bằng máy lọc than hoạt tính rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Điều đáng nói là nguồn nước ngầm ở một số quận, huyện tại TPHCM đang nhiễm bẩn nghiêm trọng, trong khi không ít cơ sở không sử dụng hệ thống lọc để loại bỏ các chất độc hại mà đưa thẳng vào bình.

Chuyên gia về sức khỏe cộng đồng Hoàng Thị Ngọc Ngân, từng công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, để cho ra một bình nước đảm bảo an toàn, nước phải được lọc qua than, cát sỏi để ngăn chặn cặn lơ lửng trước khi lọc qua cặn li ti.

Theo thạc sĩ Ngân, sau đó, nước này phải lọc qua than hoạt tính, rồi chuyển qua lọc vi trùng và xử lý tia cực tím mới được đóng ra bình đưa ra thị trường.

Khảo sát mới đây với gần 200.000 giếng khoan tập trung ở các quận 9, 10, 11, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và Tân Phú cho thấy nước có hàm lượng nitơ cao. Tại Gò Vấp, hàm lượng nitơ đã vượt tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống và bị nhiễm vi sinh gây các bệnh tiêu hóa.

Tuy nhiên, nguồn nước này được dùng để hô biến thành nước uống tinh khiết, nước đóng bình, đóng chai mà không qua hệ thống lọc xử lý vi trùng và tia cực tím. Trong kết quả kiểm tra mới đây của Sở Y tế TPHCM đối với 70 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai, 27 cơ sở không đảm bảo vệ sinh với hơn 20 mẫu nước nhiễm vi sinh.

Nguy hiểm hơn, tại Cty sản xuất nước T.Đ. trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, nhãn hiệu nước đóng bình Aquaphar nhiễm Pseudomonas aeruginosa - một loại vi trùng gây bệnh mủ xanh rất nguy hiểm. Sản phẩm nước uống của hàng chục cơ sở khác nhiễm vi sinh gây tiêu chảy…

Tại một cơ sở sản xuất ở huyện Hóc Môn, bên trong khuôn viên là hàng trăm bình nước loại 12 lít và 20 lít chất ngổn ngang giữa trời mưa nắng. Số bình này được thu gom về từ các đại lý bán nước đóng bình. Sau đó, công nhân xúc rửa trước khi bơm nước vào rồi dán nhãn, bọc nilon để bán ra thị trường.

Hai công nhân dùng nước rửa chén (bát) khuấy đều với nước ở một chậu lớn, sau đó lần lượt đưa số bình dơ bẩn này vào xúc rửa thủ công. Một công nhân dùng nước rửa chén chùi nắp bình, một công nhân khác cho nước rửa chén vào bình xúc xong rồi dùng vòi nước xịt lại bên trong, bên ngoài và đưa bình qua công đoạn đổ nước vào để bán ra thị trường.

Chuyên gia Hoàng Thị Ngọc Ngân cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất đã trang bị nhiều loại máy xử lý nước hiện đại để làm sạch nước theo tiêu chuẩn nước uống trước khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, còn không ít cơ sở vẫn làm theo kiểu thủ công, chưa trang bị hệ thống lọc đạt chuẩn. Nguy hại hơn ở khâu xúc rửa, nhiều cơ sở chỉ dùng vòi xịt qua loa bên trong và ngoài bình rồi đưa vào đóng chai, trong khi có nơi xúc rửa bằng xà phòng không tẩy rửa sạch các loại vi trùng bám ở bình.

Nguy hại cho sức khỏe

TPHCM hiện có khoảng 300 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai có nhãn hiệu, được cơ quan chức năng cấp phép. Ngoài ra, có hàng trăm cơ sở sản xuất thủ công, nhỏ lẻ lén lút hoạt động, cho ra lò nhiều nhãn nước tinh khiết nhiễm bẩn, ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. Tuy nhiên, điểm đến của số nước đóng bình, đóng chai này lại là các trường học, công ty trong khu công nghiệp và các hộ dân.

Bác sĩ Cao Ngọc Nga, chuyên gia vi sinh của Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, nước đóng bình nhiễm Pseudomonas aeruginosa - loại trực khuẩn gây bệnh mủ xanh và nhiễm Coliforms - một loại vi khuẩn gây bẩn rất nguy hiểm cho người dùng.

“Ngoài sử dụng nguồn nước không đảm bảo, hệ thống xử lý nước thô sơ và công nghệ xúc rửa bình mất vệ sinh là nguyên nhân giúp các loại vi khuẩn gây bệnh tồn tại”, bác sĩ Nga nói. Chuyên gia này cho biết, Pseudomonas gây các bệnh nhiễm khuẩn ở người như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn cơ hội. Đây là loại trực khuẩn gram âm, sống ở khắp nơi trong môi trường thiên nhiên, thích hợp với các môi trường ấm và ẩm ướt.

Khuẩn này có độc lực cao, rất dễ xâm nhập vào giác mạc khi có điều kiện thuận lợi. Trực khuẩn mủ xanh còn có khả năng tiết ra men tiêu collagen, dẫn đến hoại tử giác mạc, thủng giác mạc nhanh chóng. “Ở một số trẻ em bị viêm hô hấp mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”, bác sĩ Nga cho biết.

Trước thực trạng nước đóng bình nhiễm bẩn tràn lan trên thị trường, các bác sĩ ở Trường ĐH Y Dược TPHCM và Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM đã đo nồng độ fluor của nước.

Kết quả cho thấy, nồng độ chất này trong một số mẫu nước đóng chai, đóng bình đạt 2 mg/l, trong khi quy định tiêu chuẩn nước uống chỉ 0,7-1,5mg/l. Dù không gây ung thư nhưng nếu sử dụng thường xuyên nguồn nước có hàm lượng fluor cao hơn trên 2 mg/l có thể dẫn tới đen răng, mục xương.

Hai năm trước, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM công bố kết quả kiểm tra 464 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng bình, đóng chai ở TPHCM. Theo đó, hơn 60% không đạt điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong số 36 cơ sở sản xuất nước đá được kiểm tra, chỉ có 14 đạt yêu cầu. Trong số 77 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai được kiểm tra, chỉ có 26 đạt vệ sinh.

Tại Trường Tiểu học T.Q.T, quận 5, TPHCM, bình nước uống được để trên ghế, mỗi lớp một bình. Trên bình nước có một ly nhôm. Theo quan sát của PV, trưa 18/9, học sinh học bán trú ăn trưa tại trường này ngồi khắp nơi từ trong lớp ra đến hành lang. Đang ăn, nhiều em chạy đến rót nước uống mà không kịp lau miệng.

Tương tự, tại Trường Tiểu học H.H, quận Bình Thạnh, mỗi lớp có một bình nước lọc và vài ly nhôm. Tại Trường Tiểu học C.B.Q, quận Phú Nhuận cũng có bình nước lọc nhưng lại trang bị hàng chục ly nhựa. Theo tìm hiểu của PV, rất ít trường ở TPHCM nấu nước sôi hoặc có cả bình nước nóng lạnh cho học sinh uống mà chủ yếu đặt hàng nước lọc từ các cơ sở bên ngoài. Hằng tháng, học sinh phải đóng 5-10 ngàn đồng/em.  

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/kinh-hoang-cong-nghe-nuoc-dong-binh-911304.tpo

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/kinh-hoang-cong-nghe-nuoc-dong-binh-20150920093247368.htm

1 người chết, 2 người nguy kịch sau chầu nhậu

Sáng 17-9, sau khi cùng nhậu chung chầu rượu với lòng heo tiết canh trên ghe neo tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), anh L., 50 tuổi, ngụ tại xã Bình Châu đã tử vong tại chỗ...

Còn anh T.V.P (46 tuổi) và anh P.T.H (54 tuổi) được các bạn ghe đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Theo lời kể của anh Mai Văn Dũng, bạn cùng ghe với nạn nhân, lúc 7 giờ sáng, 3 nạn nhân và 5 người bạn ghe khác, cùng nhậu với nhau trên ghe của anh P. Đến 9 giờ sáng, anh Mai Văn Lãm, bạn cùng nhậu phát hiện anh L. đã ngưng thở, còn anh H. và P. thì bất tỉnh và miệng sùi bọt mép. Anh Lãm đã thông báo mọi người trên ghe hô hấp nhân tạo cho anh H. và P., sau đó đưa đến Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc cấp cứu. Do tình trạng bệnh nhân quá nguy kịch nên trung tâm đã chuyển lên Bệnh viện Bà Rịa.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hỷ, Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bênh viện Bà Rịa cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu vào lúc 12 giờ 15 phút ngày 17-9, phải tiến hành hồi sức tích cực. Qua xét nghiệm máu cho thấy cả hai bệnh nhân đều có nồng độ rượu trong máu quá cao 50gam/lít máu. Đến 21 giờ tối qua, 2 bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Theo thông tin từ các bạn ghe của nạn nhân thì họ đã mua rượu 10 lít đựng trong can nhựa trắng không có bao bì, nhãn mác, thông qua một người đưa đò. Hiện vẫn chưa rõ thông tin về nguồn gốc rượu này. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành khảo sát, điều tra để tìm tác nhân gây ra ngộ độc cho các nạn nhân nói trên.

http://infonet.vn/1-nguoi-chet-2-nguoi-nguy-kich-sau-chau-nhau-post176123.info

Sự thật bất ngờ vụ mổ sỏi thận bị cắt cụt tứ chi ở TP HCM

Thông tin về vụ bệnh nhân mổ sỏi thận bị cắt cụt tứ chi ở TP HCM đang gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, bản chất thật của vụ việc là như thế nào?

soc mo soi than nhung bi cat cut tu chi          Ngành y đã thay đổi sau những biến cố?

Vừa qua, dư luận một lần nữa lại xôn xao vì một tai biến mổ sỏi thận bị cắt cụt tứ chi xảy ra trong ngành y. Đó là trường hợp của một bệnh nhân ở Củ Chi, mổ sỏi thận đã bị nhiễm trùng, có mủ, nhưng sau đó lại bị cắt cụt một phần tứ chi.

 

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận phản ứng với những tai biến kiểu này. Nhưng điều đáng nói là do chưa hiểu rõ vụ việc cũng như chưa nắm rõ cơ chế bệnh cảnh nên đã dẫn tới việc những y bác sĩ đem hết khả năng chuyên môn và lương tâm y đức ra để cứu người, thì nay phải hứng chịu búa rìu dư luận...

Theo lời bệnh nhân Trần Thị Hu, sinh năm 1961, ngụ tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM thì ngày 9/1/2009, bà lên cơn sốt, vật vã, đau dữ dội ở vùng lưng, da nổi bông tím nên gia đình  đưa bà đến Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi (gọi tắt là BV Củ Chi) để thăm khám.

Lúc này, qua kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy mạch của bà chỉ còn 88 lần/phút, nhịp thở 16 lần/phút, huyết áp rất thấp (60/40mmHg).

Tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết, BV Củ Chi kết luận thận trái của bà ứ nước độ 2 do sỏi, có dấu hiệu sốc nhiễm trùng vì thận chứa nhiều mủ. Bác sĩ Huỳnh Văn Hy, Phó giám đốc BV Củ Chi cho biết ngay lập tức BV đã lập phác đồ điều trị chống sốc, dùng thuốc vận mạch, bù dịch điện giải, kháng sinh.

Khi bà Hu đã tạm ổn, BV chuyển bà sang Khoa Hồi sức tích cực để tiến hành hội chẩn.

Sau khi hội chẩn, nhận thấy tiên lượng bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao nên BV Củ Chi quyết định mổ nhằm cứu sống bà. Ca phẫu thuật được xem là thành công khi các bác sĩ lấy viên sỏi ra, đồng thời đặt ống dẫn lưu mủ.

Hôm sau, bà Hu thấy tê và mất cảm giác ở các đầu ngón tay, ngón chân. Trên cẳng tay và cẳng chân xuất hiện thêm nhiều vết ban tím rải rác. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bà Hu bị hội chứng Raynaud. Được BV Củ Chi giải thích và theo yêu cầu của người nhà, BV Củ Chi chuyển bà lên BV Chợ Rẫy.

Tại BV Chợ Rẫy, sau khi kiểm tra, làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần của cả 4 chi. Theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp thì trên cơ sở bệnh sử, các biểu hiện lâm sàng cùng kết quả của những xét nghiệm cận lâm sàng, BV Chợ Rẫy nhận định bà Hu bị nhiễm trùng huyết mà nguyên nhân phát xuất từ nhiễm trùng đường tiết niệu, gây biến chứng suy gan, thận, tắc mạch chi.

Việc BV Củ Chi kịp thời phẫu thuật lấy sỏi thận, dẫn lưu ổ mủ nên bà Hu đã được cứu sống. Tuy nhiên, do tắc mạch tứ chi vì nhiễm trùng nặng nên sau khi giải thích cho bà và gia đình bà biết, BV Chợ Rẫy buộc phải cắt cụt một phần tứ chi để bảo toàn tính mạng cho bà.

Ngày 23/1/2009, BV Chợ Rẫy chuyển bà Hu về lại BV Củ Chi. Đến ngày 3/2/2009, nhận thấy tình trạng sức khỏe của bà Hu tạm ổn nên BV Củ Chi cho bà về. Sau đó, bà đã nhiều lần đến gặp lãnh đạo BV Củ Chi để hỏi về tình trạng của mình nhưng theo lời bà thì BV tránh né, không tiếp…

Bà nói: "Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã quá cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong quá trình phẫu thuật làm tắc nghẽn mạch máu, máu không lưu thông để nuôi tứ chi dẫn đến bị hoại tử và phải cắt bỏ cả tay lẫn chân. Tôi vốn là một người lành lặn đi làm để lo cho cuộc sống gia đình, nay tàn phế, không làm gì được để lo cho cuộc sống nhưng bệnh viện lại chối bỏ trách nhiệm.

Lần này tôi gửi đơn đến Hội đồng nhân dân TP HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Y tế TP HCM đề nghị làm sáng tỏ những sai sót của bệnh viện này đã gây ra, khiến tôi bị tàn phế. Đồng thời, tôi cũng yêu cầu BV Củ Chi đưa tôi đi giám định tỷ lệ thương tật để làm cơ sở pháp lý bồi thường theo đúng quy định của pháp luật…"

Mặc dù trước đó tại BV Chợ Rẫy, bà cùng gia đình đã được các bác sĩ giải thích rất thấu đáo, và đã đồng ý ký cam kết phẫu thuật.

Đến ngày 27/7/2015, bà gửi đơn "yêu cầu hỗ trợ", đề nghị BV Củ Chi hỗ trợ cho bà tổng cộng 106 triệu đồng. Khi nhận được đơn, phía BV đã tiến hành đối thoại với gia đình bệnh nhân. Qua đối thoại, hai bên thống nhất BV Củ Chi hỗ trợ cho gia đình bà số tiền 60 triệu.

Theo BS Hy, Phó giám đốc BV Củ Chi thì đây chỉ là tiền BV hỗ trợ chứ không phải là tiền đền bù vì về mặt chuyên môn, BV không sai sót. Việc bà Hu bị cắt cụt chi là việc nằm ngoài ý muốn của đội ngũ y bác sĩ đã trực tiếp mổ cứu sống bà.

Còn tại sao trong tờ biên nhận giao nhận tiền lại có câu "không thắc mắc, khiếu nại về sau" là do có sự đồng thuận của hai bên, trong đó có cả con trai, con gái bà Hu.

Chiều 11/9, bà Hu xác nhận đã nhận được số tiền hỗ trợ của BV và cho biết không khiếu nại gì nữa.

Trước khi nói đến chuyện "mổ thận nhưng bị cắt cụt chi" thì thiết nghĩ cũng nên biết qua về hai quả thận trong cơ thể người. Nó có hình hạt đậu, nằm trong khoang bụng, phía sau màng bụng (phúc mạc) và  đối xứng nhau qua cột sống.

Thận phải nằm thấp hơn thận trái một chút, làm nhiệm vụ lọc chất thải trong máu (nước tiểu) rồi  theo niệu quản đổ vào bàng quang (bọng đái) và bài tiết ra ngoài.

 

Bác sĩ Huỳnh Văn Hy, Phó Giám đốc Bệnh viện Củ Chi nói về trường hợp của bà Hu.

Trong quá trình bài tiết nước tiểu, sỏi có thể hình thành trong thận mà nguyên nhân do lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ chất khoáng trong nước tiểu quá cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại thành sỏi.

Nếu sỏi thận nhỏ, áp lực của dòng nước tiểu có thể đẩy nó ra ngoài. Nếu sỏi thận lớn, viên sỏi khi di chuyển sẽ cọ xát vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu. Nếu sỏi thận bị kẹt trong cuống đài thận, nó sẽ gây tắc, làm giãn nở cuống đài thận và tạo ra áp lực tác động lên dây thần kinh thận, vỏ thận, khiến người bệnh lên cơn đau quặn thận.

Bên cạnh đó, sỏi có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, tồn đọng nước tiểu, gây ứ nước, nhiễm trùng, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa đường tiểu và giảm chức năng co bóp đường tiểu, tạo thành các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản, hậu quả là suy thận.

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi thận là nhiễm trùng. Hòn sỏi nằm lâu ngày trong hệ niệu là nơi vi trùng phát triển, do đó sẽ gây nhiễm trùng. Ở các trường hợp nhiễm trùng nhẹ, triệu chứng thường là tiểu gắt, đau lưng.

Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể tiểu ra mủ, sốt cao. Nếu kèm theo tắc đường tiểu thì có thể gây ra thận ứ mủ hoặc thận hóa mủ.

Bình thường, thận lọc chất thải ra khỏi máu rồi đưa máu trở lại hệ tuần hoàn. Nếu bị nhiễm trùng, vi trùng sẽ vào theo máu gây nhiễm trùng máu. Người bệnh sẽ xuất hiện hiện tượng đông máu nội mạch lan tỏa và cuối cùng là tắc mạch chi.

Lúc ấy, máu đến không đủ để nuôi các vùng chi ở xa nên đầu ngón tay, ngón chân người bệnh có cảm giác lạnh, tê, đau buốt rồi dần dần tím đen. Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh sẽ tử vong hoặc có thể phải cắt cụt cả tứ chi vì hoại tử.

Trở lại với chuyện bà Hu, sau khi bà làm đơn gửi đến một số cơ quan chức năng để khiếu nại thì dư luận bắt đầu dậy sóng.

Trên một số trang mạng, bên cạnh những ý kiến bênh vực BV Củ Chi thì cũng chẳng thiếu những luận cứ kết tội: "Đây là một sai sót hay nói chính xác hơn là một sự thiếu hiểu biết trong quá trình thực hiện phẫu thuật…". Có trang mạng còn đặt vấn đề: "Tại sao BV Củ Chi lại đưa ra quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân Hu trong lúc bệnh nhân còn lơ mơ, vật vã, huyết áp tụt…".

Theo một số bác sĩ chuyên khoa Niệu, Thận làm việc tại BV Bình Dân, BV Chợ Rẫy, thì việc bà Hu được chỉ định mổ lấy sỏi, dẫn lưu mủ do nhiễm trùng là hoàn toàn hợp lý. Thủ thuật này không liên quan gì đến việc bà Hu bị thiếu máu nuôi các chi dẫn đến phải cắt cụt chi.

Về nguyên tắc xử lý nhiễm trùng thận do sỏi, việc dẫn lưu ổ nhiễm trùng là yêu cầu bắt buộc và có tầm quan trọng, quyết định sự thành công trong điều trị. Do đó, BV Củ Chi đã đúng khi thực hiện cuộc mổ dẫn lưu mủ thận.

Theo hướng dẫn của Surviving Sepsis Campaign (SSC) - là một chiến dịch toàn cầu nhằm mục đích kéo giảm tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm trùng gây ra - mà hiện nay chiếm tới 50% các ca bệnh. Hướng dẫn được lập bởi các bác sĩ của hơn 30 hiệp hội y khoa trên toàn thế giới, đã nhận định rằng nếu sốc nhiễm trùng do mủ bể thận (trường hợp của bà Hu) thì tỷ lệ tử vong có thể tăng lên tới 76% nếu không được mổ dẫn lưu ngay.

Một bác sĩ là giảng viên Đại học Y Dược TP HCM xin được miễn nêu tên nói: "Với những ổ mủ nằm sâu trong bể thận thì có… ngâm cả bệnh nhân trong thùng kháng sinh cũng chẳng ăn thua gì, mà việc đầu tiên là phải dẫn lưu ổ mủ càng sớm càng tốt".

Trường hợp bà Hu, bà nhập viện lúc 19 giờ 45 phút và ngay khuya hôm đó, bà đã được mổ thì phải nói một cách chính xác rằng BV Củ Chi đã xử lý vừa đúng, vừa kịp thời.

Riêng với chuyện "tại sao lại mổ cho bà trong lúc bà còn lơ mơ vật vã, huyết áp tụt" thì vẫn vị bác sĩ là giảng viên Đại học Y Dược TP HCM vừa nêu ở trên cho biết: "Thông thường, bệnh nhân cần được ổn định huyết áp trước khi mổ nhằm tránh trường hợp phản ứng với thuốc gây tê, gây mê. Trong ca mổ của bà Hu, tôi tin rằng BV Củ Chi đã duy trì huyết áp của bà ấy ở mức có thể chấp nhận được nên vì vậy, bà ấy mới còn sống".

Cuối cùng, cái làm nên câu chuyện sóng gió này chính là việc cắt cụt tứ chi bà Hu. Đây là hậu quả của việc thiếu máu nuôi. Theo các tài liệu Y học về giải phẫu bệnh lý từ Đông sang Tây, trong tất cả các trường hợp sốc nhiễm trùng, máu sẽ được cơ thể ưu tiên cho não, phổi.

Các cơ quan nằm ở xa hơn dĩ nhiên sẽ nhận được ít máu hơn, chưa kể nhiễm trùng cũng làm xuất hiện hiện tượng động máu nội mạch lan tỏa nên máu đến các chi đã ít lại càng ít.

Trường hợp bà Hu, hiện tượng thiếu máu nuôi đã xuất hiện ngay từ khi nhập viện (sốt, vật vã, đau dữ dội ở vùng lưng, da nổi bông tím) chứ không phải là trong quá trình phẫu thuật dẫn lưu, các bác sĩ BV Củ Chi đã khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu bà, dẫn đến nhiễm trùng máu…

 

Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ của Khoa Ngoại tổng quát BV Chợ Rẫy cho biết bây giờ anh cùng các đồng nghiệp sợ nhất là giới… truyền thông!

"Đứng mổ một ca ung thư đã di căn suốt 6 tiếng đồng hồ, bệnh nhân sống thì chẳng thấy ai nói đến. Còn lơ mơ một chút, người nhà bệnh nhân "lên báo" khiếu nại thì lắm trang mạng, chưa rõ đầu đuôi ra sao đã lập tức "phang" liền?".

Một bác sĩ ở Khoa Cấp cứu nói tiếp: Có bệnh nhân lăn lộn, vật vã nhưng qua thăm khám, chúng tôi biết họ chưa đến mức nghiêm trọng nhưng có bệnh nhân thấy tỉnh như sáo mà nếu không xử lý ngay thì có thể chỉ vài mươi phút sau là họ "đi".

Khi ấy, chúng tôi tập trung cứu sống người này thì gia đình người kia làm ầm lên, cho rằng chúng tôi không quan tâm đến thân nhân họ rồi hôm sau đi làm, mới biết là mình đã bị "lên mạng" với những lời kết tội rất nặng nề…

http://petrotimes.vn/su-that-bat-ngo-vu-mo-soi-than-bi-cat-cut-tu-chi-o-tp-hcm-325996.html

Nguy hiểm do tiêm thuốc giảm cân

Từ khá lâu, trên thị trường bày bán rất nhiều chế phẩm trông như thuốc chữa bệnh nhưng thực chất là thực phẩm chức năng giảm cân (TPCNGC) có dạng viên, bột, cao, dung dịch nước, trà và gần đây lại xuất hiện thêm dạng thuốc chích (tiêm) để giảm cân.

Tác dụng thật sự của những chế phẩm này thực hư như thế nào rất khó biết mà tác hại thì trông thấy rõ.

Không ít người vì muốn giảm cân nhanh chóng vẫn sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để mua các sản phẩm giảm cân về sử dụng. Kết quả không như mong muốn: cân nặng không giảm hoặc có giảm cân nhưng lại bị đi tiêu, đi tiểu nhiều, người mệt mỏi và sau khi ngưng sử dụng TPCNGC thì cân nặng tăng trở lại nhiều hơn.

Gần đây, trên các trang web online, trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, spa... lại xuất hiện “thuốc chích giảm cân” với nhiều lời mời chào hấp dẫn như "Loại thuốc này có tác dụng cực tốt, hiệu quả rất nhanh, đặc biệt khi sử dụng tiêm thuốc không gây đau, hiếm gặp dị ứng, không gây rối loạn nội tiết, giảm chứng béo phì và phân hủy mỡ, phục hồi vi tuần hoàn, tái tạo và bảo vệ mô liên kết giúp trẻ hóa da...".

Hoặc "Thuốc còn có tác dụng đánh tan mỡ thừa ở những vùng khó giảm cân nhất, thậm chí cả những vùng tập thể dục không đạt được kết quả thì thuốc có thể giúp bạn làm điều đó".

Vì vậy, phosphatidylcholin được xem là chất cung cấp cholin là chất rất quan trọng tạo thành acetylcholin dẫn truyền thần kinh (hệ thần kinh ta có tốt hay không phải có đủ acetylcholin).

Phosphatidylcholin là chất béo có nhiều ở lòng đỏ trứng gà, đậu nành (trong lòng đỏ trứng gà, phosphatidylcholin là thành phần của lecithin). Còn ở trong cơ thể, nó có ở tế bào, đặc biệt là màng tế bào. Phosphatidylcholin có được nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe.

Thử trên chuột thí nghiệm bị làm nhiễm siêu vi viêm gan A, B và C, phosphatidylcholin cho thấy có thể sửa chữa tình trạng gan bị tổn thương (liver repair) nhưng không cho thấy tác dụng này trên người.

Phosphatidylcholin được một số thông tin cho rằng có tác dụng làm phân hủy tế bào mỡ (lipolysis) có thể dùng thay thế phương pháp hút mỡ nhưng chỉ đồn đại nhiều chứ không có công trình nghiên cứu nghiêm túc chứng thực là tiêm phosphatidylcholin làm giảm mỡ để giảm cân.

Phosphatidylcholin lại được cho rằng có thể tiêm với deoxycholat để giảm cân. Deoxycholat thực chất là muối mật (muối acid cholic) có trong mật giúp cơ thể hấp thu chất béo dầu mỡ từ thức ăn.

Deoxycholat được dùng chung với phosphatidylcholin nhằm giúp chất béo này hấp thu tốt hơn khi đưa vào trong cơ thể. Một thông tin cho rằng deoxycholat được tiêm với phosphatidylcholin dùng trong giải phẫu thẩm mỹ có tên mesotherapy.

Mesotherapy là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng rộng rãi ở châu Âu để điều trị các tổn thương ở da bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào tầng trung bì của da với kim tiêm siêu nhỏ theo chỉ định.

Tuy nhiên, mesotherapy chỉ điều trị các tổn thương về da như: da lão hóa, nhão xệ, mỏng khô héo do thiếu nước, sắc tố khác thường, đặc biệt là sắc tố nội tiết tố hoặc giảm hiện tượng cằm đôi, thon gọn khuôn mặt chứ hoàn toàn không làm tan mỡ để giảm cân.

Chất thứ hai được đồn đại là có thể chích để giảm cân là vitamin B12. Chích vitamin B12 làm giảm trọng lượng cơ thể được lý giải là làm tăng tốc quá trình chuyển hóa gây tiêu hao năng lượng. Điều này là sai, vitamin nói chung chỉ là các chất xúc tác các phản ứng chứ không thể làm tiêu hao năng lượng làm giảm cân.

Người ta chỉ tiêm chích vitamin B12 vì thiếu vitamin này gây thiếu máu đặc biệt gọi là thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Loại thiếu máu này có những đặc trưng về hình thể tế bào máu thấy trên xét nghiệm. Chích vitamin B12 có thể bị nguy hiểm vì dị ứng, thậm chí là bị sốc phản vệ gây chết người.

Chất thứ ba được đồn đại tan mỡ khi tiêm trực tiếp là chế phẩm chứa 3 loại enzym chính: cholin, inostiol và methionin, các enzym này ngăn ngừa quá trình mỡ tích tụ quanh gan. 3 chất vừa kể mà gọi là enzym là hoàn toàn sai vì cholin là chất có trong cơ thể hoặc đưa từ bên ngoài vào tạo thành acetylcholin là chất dẫn truyền thần kinh đã kể ở trên, inositol là một loại đường đa (polyol chứa nhiều nhóm –OH), còn methonin là một acid amin.

3 chất vừa kể đều bắt nguồn từ thực phẩm, có thể liên quan đến chuyển hóa mỡ nhưng còn làm tan mỡ đến độ giảm cân chống béo phì chỉ là lời đồn đại mà thôi.

Lưu ý đặc biệt

Thông thường, dư cân béo phì là do ăn uống quá thừa chất dinh dưỡng sinh năng lượng (đường bột, béo) nhưng lại không có sự vận động thích hợp để tiêu hao năng lượng, năng lượng thừa biến thành mỡ gây dư cân béo phì.

Vì vậy, để giảm cân phải đồng thời tác động đến 2 yếu tố: Chế độ dinh dưỡng thích hợp (ăn kiêng) và Chế độ tập luyện thể dục thích hợp. Có một số trường hợp béo phì bắt buộc phải dùng thuốc (thuốc được thừa nhận dùng trong điều trị hiện nay là orlistat, một thuốc khác trước đây cho dùng nhưng nay bị cấm vì gây hại quá nhiều là sibutramin) chứ không thể dùng thực phẩm chức năng giảm cân hoặc thuốc tiêm giảm cân nào đó không thôi mà giảm cân được.

Cần lưu ý, giảm cân là nhu cầu làm đẹp chính đáng cho những ai đang "quá khổ", tuy nhiên, giảm cân bằng thuốc, đặc biệt là chích thuốc sẽ có nguy cơ rất lớn cho sức khỏe.

Tiêm thuốc giảm cân luôn là cách rất nguy hiểm vì gây ra nhiều phản ứng đối với cơ thể, thậm chí là hiện tượng sốc phản vệ gây chết người đối với người sử dụng.

Những người có nhu cầu giảm cân tốt nhất nên đi khám ở bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để được tư vấn về biện pháp thích hợp và an toàn cho việc giảm cân.

http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nguy-hiem-do-tiem-thuoc-giam-can-1283469-l.html

Xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch cúm gia cầm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Sóc Trăng đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, A/H5N6. Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Trước đó, một số con trong đàn gia cầm có gần 700 con vịt và ngan của gia đình ông Bùi Văn Lý, trú tại thôn Vàng 1, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng ( Lào Cai) có biểu hiện lờ đờ, thân nhiệt cao, chảy nước mũi rồi chết. Gia đình đã báo cán bộ thú y của xã và huyện trực tiếp đến hiện trường thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm gửi cơ quan chuyên môn cấp trên.

Kết quả xét  nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết, mẫu dương tính với virut cúm A/H5N6. Ngay lập tức, Chi cục Thú y Lào Cai và chính quyền địa phương đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nêu trên, phun thuốc khử trùng khu vực phát sinh dịch bệnh, khoanh vùng để hạn chế vận chuyển, giết mổ gia cầm trong khu vực lân cận.

Ngày 25/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết;  theo thông tin từ Cục Thú y-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 18/8, tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có ghi nhận một ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm.

Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao; phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch. Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm ở người.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo để phòng chống bệnh cúm A/H5N1, người dân phải thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Người dân không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị.

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/xu-ly-kip-thoi-triet-de-o-dich-cum-gia-cam-2015091814560758.htm

Đối phó các bệnh dễ mắc trong mùa mưa

Trong mùa mưa bão, lũ, người dân phải đối diện với rất nhiều bệnh tật do ảnh hưởng môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng...

Trong mùa mưa bão, lũ, người dân phải đối diện với rất nhiều bệnh tật do ảnh hưởng môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, do nước thải từ cống rãnh, các công trình vệ sinh hòa tan trong nước, những xác động vật chết... Đây là nguyên nhân khiến một số dịch bệnh bùng phát.

Bệnh đường tiêu hóa

Ở các vùng miền sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc amíp, giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.

Điển hình hay gặp nhất trong và sau mưa, lũ, lụt là bệnh tiêu chảy cấp. Bệnh do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng chiếm vị trí hàng đầu vẫn là vi khuẩn tả (Vibrio cholera). Ở những vùng miền xảy ra mưa, lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gây bệnh tiêu chảy gặp ở vùng mưa, lũ, lụt liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt (ăn, uống). Khi xảy ra mưa lũ, úng lụt, các bệnh lây truyền qua nước sẽ có nguy cơ bùng phát hàng đầu: tiêu chảy do Rotavirus, tình trạng nhiễm giun sán... cũng sẽ có cơ hội lây truyền nhanh hơn. Ở trẻ em, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus là rất lớn và khả năng lây lan cũng mạnh, nhất là dùng nước ăn uống không hợp vệ sinh.

Sốt xuất huyết

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa lũ các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ. Đây là các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virut thường và sốt rét. Để phòng bệnh cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.

Bệnh cảm cúm và hô hấp

Thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Khi bị cảm, cơ thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, ho,... Các triệu chứng nặng hơn là sốt cao, sốt kéo dài, người rét run và vã mồ hôi, mệt mỏi trầm trọng. Một số trường hợp, cảm lạnh và cúm có thể dẫn đến viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm họng. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh sẽ dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho virut phát triển, kèm theo đó là thói quen sử dụng nước giếng khơi bị nhiễm bẩn. Đây là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao trong mùa mưa lũ.

Các bệnh về da

Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó phải kể đến các vi khuẩn gây bệnh về da. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa...

Viêm gan E

Viêm gan E là bệnh lây qua thức ăn, nước uống. Trong mùa mưa lũ, rác thải, nước thải tràn về có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virut viêm gan E, nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt. Virut trong nước bám vào thực phẩm, nước uống và khi tiêu hóa phải thức ăn, nước uống đó sẽ dễ mắc bệnh. Điều may mắn là virut viêm gan E có sức đề kháng bên ngoài môi trường rất kém, chỉ cần đun sôi khoảng 1-2 phút là tiêu diệt được chúng. Vì vậy đảm bảo điều kiện vệ sinh ăn uống, chỗ ở rất cần thiết trong việc phòng bệnh viêm gan E.

Bệnh sốt vàng da

Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) sau mưa, lũ, lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước. Trong và sau mưa, lũ, nếu con người ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể và gây bệnh.

Bệnh xương khớp

Thời tiết thất thường, mưa nắng bất chợt, không khí lạnh, ẩm ướt đột ngột khiến nhiều người bị đau xương khớp, co cứng cơ. Đặc biệt là khớp hông, đầu gối, vai, tay, thắt lưng. Các khớp còn có thể bị sưng, gây khó khăn khi vận động.

Biện pháp phòng bệnh trong mùa mưa bão

Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong, sau lũ lụt: Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như cloramin B hoặc viên aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử khuẩn nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Trong môi trường úng lụt nên đi ủng để phòng nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh. Cần tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn để phòng nguy cơ sốt rét, sốt xuất huyết. Vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng bệnh.

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/doi-pho-cac-benh-de-mac-trong-mua-mua-20150914104158285.htm

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Số lượt truy cập: 21,365,233