Việt Nam tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030  12/12/2019 2:16:11 PM

Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Chương trình Quốc gia Phòng chống sốt rét của Việt Nam đã từng bước thực hiện các chiến lược phù hợp làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét. Từ hơn 1 triệu trường hợp mắc sốt rét, 4.646 trường hợp tử vong do sốt rét năm 1991, đến năm 2018 chỉ còn 6.870 trường hợp mắc và chỉ có 1 trường hợp tử vong do sốt rét. Nhiều tỉnh, thành phố đã không còn lan truyền bệnh sốt rét... 

Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay bệnh sốt rét hiện lưu hành ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 3 tỷ người sống trong vùng sốt rét lưu hành (SRLH).


Tuyên truyền về phòng chống sốt rét cho đồng bào bằng những thông điệp thực tiễn
 

Mỗi năm có khoảng 219 triệu người mắc, 435 nghìn người tử vong do sốt rét, trong đó có 61% là trẻ em <5 tuổi, chủ yếu ở Châu Phi chiếm tới 93% tổng số trường hợp tử vong do sốt rét trong năm 2017.

Trên toàn cầu, khu vực loại trừ đang mở rộng, với nhiều quốc gia không còn lan truyền sốt rét tại chỗ. Năm 2017, 46 quốc gia đã báo cáo ít hơn 10.000 trường hợp sốt rét so với 44 quốc gia trong năm 2016 và 37 quốc gia trong năm 2010. Số lượng quốc gia có ít hơn 100 các trường hợp sốt rét nội địa đã tăng từ 15 quốc gia trong năm 2010 lên 24 quốc gia trong năm 2016 và 26 quốc gia trong năm 2017.


Và mang tính thiết thực
 

Paraguay đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đã loại trừ sốt rét vào năm 2018, trong khi Algeria, Argentina và Uzbekistan đã đưa ra yêu cầu chính thức để Tổ chức Y tế Thế giới công nhận. Năm 2017, 2018 Trung Quốc và El Salvador đã báo cáo không có trường hợp bản địa nào.

Chương trình Quốc gia Phòng chống sốt rét của Việt Nam đã từng bước thực hiện các chiến lược phù hợp làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét. Từ hơn 1 triệu trường hợp mắc sốt rét, 4.646  trường hợp tử vong do sốt rét năm 1991, đến năm 2018 chỉ còn 6.870 trường hợp mắc và chỉ có 1 trường hợp tử vong do sốt rét. Nhiều tỉnh, thành phố đã không còn lan truyền bệnh sốt rét...


Cán bộ y tế đến tận nhà, thôn xóm để hướng dẫn người dân phòng chống muỗi đốt
 

Có được thành công như vậy là nhờ sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của tất cả các cấp chính quyền và cộng đồng, sự tận tâm và nỗ lực của nhân viên và cả hệ thống y tế cùng sự hỗ trợ ý nghĩa của các cơ quan tài trợ quốc tế.

Bên cạnh đó là sự áp dụng các thành tựu khoa học trong việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng bệnh, sử dụng artemisinin và các dẫn xuất để điều trị sốt rét P.falciparum vào những năm 1990, phun thuốc tồn lưu trong nhà (IRS), thực hiện ngủ màn tẩm hóa chất diệt muỗi (ITN) và màn tồn lưu lâu (LLIN) gần đây.


Nhân viên y tế thực hiện ấy lam máu, xét nghiệm lam máu để tìm ký sinh trùng sốt rét
 

Tuy nhiên, việc loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số thách thức chính, đó là sốt rét kháng thuốc, muỗi sốt rét kháng hóa chất, vẫn còn số lượng lớn người sống ở vùng sốt rét lưu hành, chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, người dân đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới, lao động thời vụ không kiểm soát và người di cư từ các khu vực không có sốt rét đến vùng có lan truyền sốt rét.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét do ký sinh trùng sốt ŕét  P.falciparum năm 2025 và loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030. Cam kết loại trừ bệnh sốt rét của Việt Nam đã được Thủ tướng khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại Myanmar năm 2014. Thủ tướng Việt Nam cũng đóng vai trò là đồng chủ tịch cùng với Thủ tướng Úc của Liên minh các nhà lãnh đạo khu vực châu Á Thái Bình Dương để loại trừ bệnh sốt rét (APLMA).


Cấp phát thuốc và hướng dẫn người dân dùng thuốc sốt rét hiệu quả, an toàn
 

Trước mắt, trong năm 2019, Việt Nam sẽ công nhận loại trừ sốt rét tại 25 tỉnh bao gồm 16 tỉnh Miền Bắc, 1 tỉnh Miền Trung và 8 tỉnh Miền Nam: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, TP. Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Hậu Giang.

PGS.TS Trần Thanh Dương

Thống kê truy cập

Đang online: 33

Số lượt truy cập: 21,522,629