Danh sách các bài báo đăng trên tạp chí PCSR số 03 năm 2012  1/15/2013 10:12:08 AM

1. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT SAU 20 NĂM CAN THIỆP Ở TỈNH SƠN LA 1991-2010
 
Nguyễn Văn Sơn, Lường Minh Thắng, Bùi Đăng Dương
Trung tâm PCSR-KST-CT tỉnh Sơn La 
 
Tóm tắt
Phân tích đánh giá kết quả phòng chống sốt rét sau 20 năm can thiệp các biện pháp phòng chống (1991-2010), tình hình sốt rét tỉnh Sơn La đã cho thấy : giai đoạn 1991-2010 trung bình mỗi năm toàn tỉnh có 12.732 bệnh nhân mắc sốt rét với tỷ lệ từ 0,3 đến 65,7/1.000 dân số. Trung bình hàng năm tỷ lệ mắc sốt rét giảm 16,5%. Năm 2010 tỷ lệ mắc sốt rét giảm tới 99,9% so với năm 1991. Trung bình mỗi năm tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét chiếm 7,3% so với số ca chẩn đoán sốt rét chung, tỷ lệ P.falciparum chiếm 81,9%. Tỷ lệ lam xét nghiệm dương tính chiếm 1,3%. Tỷ lệ chết trung bình hàng năm chiếm 3,9/100.000 dân. Trung bình hàng năm có 12.717 bệnh nhân sốt rét được điều trị và giảm dần qua các năm. Từ năm 1991 đến năm 2010 toàn tỉnh có 40 vụ dịch sốt rét trung bình mỗi năm có 2 vụ dịch. Dịch xảy ra tập trung vào năm 1991 đến năm 1993. Từ năm 1994 đến năm 2010 không có dịch. Từ năm 1991-2010 mỗi năm bảo vệ cho 311.623 người, độ bảo phủ trung bình 34% dân số tỉnh. Điều tra KAP năm 2010 cho thấy: tỷ lệ người dân biết bệnh sốt rét do muỗi truyền chiếm 78,3%; Có 87% người dân biết bệnh sốt rét nguy hiểm; 85% biết bệnh sốt rét phòng được, 98% khi bị sốt người dân đều đến với nhân viên y tế, 84% người dân biết việc ngủ màn là để phòng chống bệnh sốt rét và có 72,3% người dân biết phun hóa chất là để diệt muỗi truyền bệnh sốt rét.
Kết quả đánh giá cho thấy từ mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng cho tới đẩy lùi và duy trì thành quả của công tác phòng chống sốt rét ở tỉnh Sơn La với các biện pháp can thiệp, bệnh sốt rét tiếp tục giảm mạnh trong 20 năm qua từ 1991 đến 2010.   
Download bản full tại đây
 
2. ĐÁNH GIÁ HIỆU LỰC DIỆT MUỖI CỦA MÀN TẨM HỖN HỢP CÁC CHẤT PYRETHROID.
 
Nguyễn Anh Tuấn và CTV
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương 
 
Tóm tắt:
Các thử nghiệm đánh giá hiệu lực diệt muỗi của màn tẩm hỗn hợp các chất pyrethroid đã được thực hiện tại phòng thí nghiệm và trên thực địa hẹp, kết quả bước đầu cho thấy:
Màn tẩm hỗn hợp FD1, FD2 (Hỗn hợp chứa 15 - 20mg Fendona + 5 -10mg deltamethrin trên 1m2 màn) có tác dụng diệt muỗi cao. Hiệu lực diệt muỗi tức thời là 100%, hiệu lực tồn lưu đạt 5 - 6 tháng, tỷ lệ muỗi chết là 65 - 68% (Ae.aegypti, An.dirus chủng phòng thí nghiệm) và 65 - 70% (đối với An.minimus An.epiroticus chủng thực địa). Màn tẩm hỗn hợp FD1, FD2 sau 6 tháng không giặt có khả năng ức chế đốt máu từ 82 - 85% so với đối chứng.
Màn tẩm hỗn hợp IF1, IF2 (Hỗn hợp chứa 15-20mg Fendona + 10mg Icon trên 1m2 màn) có tác dụng diệt muỗi cao. Hiệu lực diệt muỗi tức thời là 100%, hiệu lực diệt tồn lưu sau 7 - 8 tháng đạt 70-75% (Ae.aegypti, An.dirus chủng phòng thí nghiệm) và 65 - 78% (An.minimus, An.epiroticus chủng thực địa). Màn tẩm hỗn hợp IF1, IF2 sau 6 tháng không giặt có khả năng ức chế đốt máu từ 83- 88% so với đối chứng.
Sử dụng màn tẩm hóa chất nhóm pyrethroid (Fendona / ICON /Deltamethrin), đơn thuần hay phối hợp, đều không gây phản ứng phụ gì và an toàn cho người sử dụng. 
Download bản full tại đây
 
3. NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN VÀ CƠ CẤU LOÀI KÝ SINH TRÙNG SỐT RÉT  
TẠI 2 TỈNH QUẢNG BÌNH VÀ QUẢNG TRỊ BẰNG KỸ THUẬT PCR
 
Trương Văn Hạnh, Nguyễn Đức Mạnh, Lê Đức Đào, Nguyễn Thị Thương,
 
Hà Viết Viên, Hoàng Văn Tân, Nguyễn Hồng Hạnh
 Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương
 
Tóm tắt:
Chúng tôi sử dụng kỹ thuật Nested-PCR với các cặp mồi đặc hiệu đối với 4 loài ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) P. falciparum, P. vivax, P. malariae và P. ovale để xác định thành phần và cơ cấu loài KSTSR tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Tại tỉnh Quảng Bình bằng kỹ thuật PCR phát hiện có sự tồn tại 3 loài KSTSR là P. falciparum, P. vivax và P. malaria. Tỷ lệ P. falciparum là 57,63 %, P. vivax là 40,68 và P. malariae là 1,69%. Tỷ lệ nhiễm phối hợp 2 và 3 loài KSTSR là 21,88%.
- Tại tỉnh Quảng Trị phát hiện có sự tồn tại 2 loài KSTSR là P. falciparum, P. vivax. Tỷ lệ P. falciparum là 62,31% , tỷ lệ P. vivax là 37,69%. Tỷ lệ nhiễm phối hợp 2 loài KSTSR là 16,07%.
Download bản full tại đây
 
4. TÍNH ĐA HÌNH DI TRUYỀN CỦA  QUẨN THỂ PLASMODIUM VIVAXTẠI TỈNH QUẢNG BÌNH 
Trương Văn Hạnh1, Lê Đức Đào1 , Trịnh Đình Đạt2, Hồ Đình Trung1 Hoàng Văn Tân1 và CTV
1 Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương
2Trường đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội
  
Tóm tắt
Bốn gen đa hình được sử dụng để định loại và đặc trưng cho ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) Plasmodium (P.) vivax là gen mã hóa kháng nguyên thể thoa trùng (Pvcs - Plasmodium vivax circumsporozoite protein), gen mã hóa kháng nguyên bề mặt thể tư dưỡng 1 (Pvmsp 1 - Plasmodium vivax merozoite surface protein 1), gen mã hóa kháng nguyên bề mặt thể tư dưỡng 3a (Pvmsp 3a - Plasmodium vivax merozoite surface protein 3 alpha) và gen mã hóa kháng nguyên giao bào 1 (Pvgam1 - Plasmodium vivax gametocyte antigen 1). Chúng tôi nghiên cứu tính đa hình di truyền của quần thể P. vivax dựa trên 2 locus gen Pvcs và Pvmsp1 từ 34 phân lập thu thập tại tỉnh Quảng Bình bằng kỹ thuật PCR. Kết quả cho thấy quần thể P. vivax tại tỉnh Quảng Bình có tính đa hình cao.
- Đối với gen Pvcs, kết quả đã phát hiện kiểu gen VK210 chiếm 53,66% và có 5 biến thể alen với kích thước nằm trong khoảng từ 671 đến 778 bp. Kiểu gen VK247 chiếm tỉ lệ 46,34%, phát hiện có 4 biến thể alen có kích thước nằm trong khoảng từ 697 đến 778 bp. Tỉ lệ nhiễm phối hợp 2 kiểu gen và biến thể alen chiếm 20,59%, giá trị MOI là 1,21.
- Đối với gen Pvmsp1, kết quả đã phát hiện đoạn F1 có 3 biến thể alen có kích thước nằm trong khoảng từ 360 đến 460 bp, giá trị MOI là 1,23; đoạn F2 phát hiện 5 biến thể alen có kích thước từ 1130 -1280 bp, giá trị MOI là 1,18 và đoạn F3 phát hiện được 4 biến thể alen có kích thước từ 250 -340 bp, giá trị MOI là 1,29.
Download bản full tại đây
 
5. NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH TRỪ MUỖI TRUYỀN SỐT RÉT ANOPHELES DIRUS CỦA MỘT SỐ LOÀI THỰC VẬT CỦA VIỆT NAM
 
Dương Ngọc Tú1, Vũ Đức Chính2, Trần Thị Huyền Nga3 và CTV.
1Viện Hóa học, Viện Khoa học Việt Nam
2Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương
3 Đại học Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG Hà Nội
 
 
Tóm tắt
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề cập đến kết quả thử hoạt tính trừ muỗi truyền bệnh sốt rét của 20 mẫu thực vật thuộc các chi Zanthoxylum, chi Citrus (họ Rutaceae), chi Curcuma (họ Zingiberaceae), chi Cinanamomum (họ Lauraceae), chi Aglaia (họ Meliaceae) và chi Piper (họ Piperaceae). Ở nồng độ 100mg/m2 ba mẫu dịch chiết NAF06, NAF07, NAF09 thể hiện hoạt tính diệt muỗi rất cao, tỷ lệ muỗi ngã sau 1 giờ tương ứng là35%, 95% và  100%, chết sau 24h là 40%, 100% và 100%). Từ kết quả thử khả năng diệt muỗi truyền sốt rét Anophel dirus của các mẫu dịch chiết trên, sự kết hợp mẫu có hoạt tính cao NAF07 và Permethrin cho hoạt tính xua và diệt muỗi An. dirus hiệu quả hơn khi sử dụng riêng biệt từng chất.
      Từ khóa: muỗi truyền sốt rét, Anophel dirus, permethrin.
Download bản full tại đây

6. TÌNH HÌNH NHIỄM SÁN LÁ GAN LỚN TRÊN NGƯỜI TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI
 
Nguyễn Thu Hương1, Lê Quang Hải2, Lê Xuân Hùng1, Tạ Thị Tĩnh1
1 Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung Ương
2 Trung tâm Phòng chống Sốt rét tỉnh Quảng Ngãi
 
Tóm tắt
Điều tra ngang tình hình nhiễm sán lá gan lớn trên người đã được tiến hành tại xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa và xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tỷ lệ người nhiễm sán lá gan lớn bằng xét nghiệm phân là 0,35% (tương ứng là 0,17% và 0,47%); bằng ELISA phát hiện kháng thể là 10,2% (tương ứng là 10,32% và 10,1%); chung cả hai phương pháp là 10,36% (tương ứng là 10,52% và 10,24%). Không tìm thấy sự khác biệt về tình hình nhiễm SLGL giữa miền núi và miền biển. Tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn ở nữ cao gấp hai lần ở nam, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,05. Tổng số 109 hộ gia đình có người nhiễm sán lá gan lớn, trong đó có gia đình có 2- 3 người cùng mắc. Nông dân chiếm tỷ lệ nhiễm sán lá gan cao nhất 29,2%.  
Download bản full tại đây
 
7. XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NHIỄM SÁN LÁ GAN LỚN Ở TRÂU BÒ VÀ VẬT CHỦ TRUNG GIAN TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI
 
Nguyễn Thu Hương, Lê Xuân Hùng
Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung Ương
 
Tóm tắt
 Điều tra tại xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh và xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi cho biết tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn trâu bò bằng xét nghiệm phân chung là 61,5%. Tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn trâu bò tại lò mổ 73,4%. Ốc vật chủ trung gian L.swinhoei (92%) chiếm ưu thế hơn ốc L.viridis (8%). Ốc L.swinhoei nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn 0,61%. Mật độ ốc tại vùng núi tỷ lệ cao và cường độ nhiễm quanh năm. Các loại rau ăn sống (xà lách, ngổ, húng quế, bạc hà, diếp cá và rau muống) chưa tìm thấy nang ấu trùng sán lá gan lớn.
Download bản full tại đây
  
8. THÔNG BÁO MỘT TRƯỜNG HỢP NHIỄM DIROFILARIA REPENS Ở TỔ CHỨC DƯỚI DA
Lê Trần Anh1, Vi Thuật Thắng2, Nguyễn Khắc Lực1, Vũ Quyết Thắng, Nguyễn Thị Thanh Chung.
Học Viện Quân y

Tóm tắt:
Nhiễm giun chỉ Dirofilaria dưới da là bệnh lây từ động vật sang người. D.repens là loài ký sinh ở mô dưới da phổ biến nhất trong các loài Dirofilaria và đã được phát hiện ở nhiều nước trên thế giới. Bệnh do muỗi truyền và biểu hiện bằng các khối u dưới da. Phẫu thuật lấy giun vừa là biện pháp chẩn đoán quyết định vừa có ý nghĩa điều trị. Tại Việt Nam cũng đã phát hiện một số bệnh nhân nhiễm D.repens với tổn thương ở mắt. Chúng tôi thông báo một ca bệnh mắc D.repens với tổn thương ở dưới da vùng lưng. Bệnh do Dirofilaria còn hiếm gặp ở Việt Nam tuy nhiên những nhà lâm sàng và ký sinh trùng cũng cần cảnh giác và chú ý chẩn đoán phân biệt nhiễm D.repens ở những bệnh nhân có khối u dưới da.
Từ khóa: Dirofilaria repens, giun chỉ dưới da.
Download bản full tại đây

9. PHÂN BỐ MUỖI AEDES AEGYPTI TẠI MỘT SỐ ĐIỂM NGUY CƠ CAO MẮC SỐT XUẤT HUYẾT TẠI HÀ NỘI NĂM 2011
 
Phạm Văn Minh4, Nguyễn Thị Thúy5, Lê Trần Anh1, Lê Thị Thu Hương6, Nguyễn Thị Thanh Chung4
  1. Bộ môn Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, Học Viện Quân Y
  2. Khoa Sốt rét, Trung tâm Y Tế Dự Phòng, Hà nội
  3. Bộ mô Vi sinh & Sinh học, Đại học Dược Hà Nội
  4. Đại học Y Vinh 
Tóm tắt
Sốt Dengue/Sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD) là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong cao. Véc tơ chính truyền SD/SXHD tại các vùng đô thị là muỗi Aedes aegypti. Hà Nội là thành phố lớn có nhiều yếu tố thuận lợi cho muỗi Ae. aegypti phát triển do đó cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền. Kết quả nghiên cứu phân bố Ae. aegypti năm 2001? tại các điểm có nguy cơ sốt xuất huyết ở Hà Nội năm 2011 thấy chỉ số DI là 0,15 ( từ 0 – 0,26); AHI 12,12 (0 – 19,33); HI 12,50 (0 – 40). BI 16,13 (5 – 84), có 7 quận huyện có BI > 20. Ổ bọ gậy nguồn của Ae. aegypti tại Hà Nội chủ yếu là bể nước > 500 lít (43,62%) và bể cảnh (33,47%); ngoài ra còn gặp bọ gậy ở xô, thùng, chậu hay phế liệu phế thải, lọ hoa... Các chỉ số muỗi khi có bệnh nhân sốt xuất huyết: DI = 0,1 (0 – 0,25); AHI 8,32 (0 – 17,50); HI 13,42 (0 – 30). BI 23,04 (7,5 – 155), không tăng so với thời điểm giám sát thường xuyên.
Từ khóa: Sốt Dengue/Sốt xuất huyết Dengue (SD/SXHD), Aedes aegypti, Hà Nội.
Download bản full tại đây

10. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ SÁN LÁ GAN NHỎ BẰNG PRAZIQUANTEL LIỀU 75MG/KG/24 GIỜ TẠI MỘT ĐIỂM THUỘC ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ.
 
Trần Quang Trung, Lương Thị Phương Lan
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y Tế 
 
Tóm tắt:
Praziquantel là một trong số các thuốc trừ giun sán thông dụng được dùng trong điều trị sán lá gan nhỏ (SLGN) là bệnh dịch có tỷ lệ nhiễm cao ở các tỉnh đồng bằng ven biển bắc bộ của Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả điều trị SLGN Clonorchis sinensis bằng Praziquantel liều 75mg/kg/24 giờ. Phương pháp nghiên cứu: thiết kế nghiên cứu cắt ngang phân tích trên 339 mẫu phân của người dân tại thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nơi có thói quen ăn gỏi cá được lấy và xét nghiệm sự nhiễm SLGN. Tất cả những người nhiễm SLGN được điều trị với Praziquantel liều 75 mg/kg trong thời gian 24 giờ, được lập bệnh án theo dõi và điều trị tại trạm y tế. Kết quả thu được như sau: Tỷ lệ nhiễm SLGN Clonorchis sinensis là 18,6%. Cường độ nhiễm SLGN trung bình là 179,7 trứng/gam phân (WSLG/g): thấp nhất 39 trứng/g; cao nhất 1854 trứng/g. Kết quả điều trị SLGN bằng praziquantel liều 75mg/kg/24 giờ: tỷ lệ sạch trứng sau điều trị 1 tháng 95%. Tỷ lệ sạch trứng sau 3 tháng 97%. Thuốc praziquantel hầu như không có tác dụng không mong muốn với liều 75mg/kg/24 giờ. Kết luận: Điều trị Praziquantel cho các bệnh nhân có nhiễm SLGN lặp lại một hoặc hai lần kết hợp với truyền thông giáo dục sức khỏe là biện pháp có hiệu quả để phòng chống SLGN ở các vùng dịch ở mức độ nhẹ và vừa phải.
 
11. HIỆU LỰC CỦA ALBENDAZOLE VÀ MEBENDAZOLE LIỀU DUY NHẤT VÀ 3 LIỀU TRONG ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH GIUN TRUYỀN QUA ĐẤT VÀ SÁN DÂY Taenia spp.: MỘT THỬ NGHIỆM NGẪU NHIÊN CÓ ĐỐI CHỨNG
 
Peter Steinmann, Jurg Utzingger, Zun- Wei Du, Jin- Yong Jiang, Jia- Xu Chen, Jan Hattendorf, Hui Zhou, Xiao- Nong Zhou.
 
Tóm tắt
Tổng quan: Hiện tại, công tác phòng chống các bệnh giun truyền qua đất (Soil- Transmitted Helminths- STH) vẫn dựa trên việc sử dụng rộng rãi albendazole và mebendazole qua đường uống. Tuy nhiên, những phác đồ điều trị này có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh (Cure rates- CR) thấp đối với giun móc và giun tóc; tỷ lệ giảm trứng (Egg Reduction Rates- ERR) vẫn còn cao với hầu hết các loài STH. Chúng tôi so sánh hiệu lực của liều duy nhất với phác đồ 3 liều trong điều trị bệnh giun móc và các loại STH khác qua một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng dựa trên thử nghiệm đối với cộng đồng dân cư tại Trung Quốc.
Phương pháp nghiên cứu/những kết quả chính: CR và ERR với giun móc được đánh giá trên 314 người tham gia, tuổi ≥ 5, với 2 mẫu phân ở các thời điểm trước và 3- 4 tuần sau khi uống thuốc liều duy nhất albendazole (400mg) hoặc mebendazole (500mg) hoặc 3 liều albendazole (400mg/ngày x 3 ngày liên tục) hoặc mebendazole (500mg/ngày x 3 ngày liên tục). Chúng tôi cũng đánh giá hiệu lực của các phác đồ trên với giun tóc, giun đũa và sán dây Taenia spp. Albendazole có CR với giun móc cao hơn có ý nghĩa so với mebendazole trong cả hai loại phác đồ (liều duy nhất: CR 69% (95% CI (khoảng tin cậy 95%: 55- 81% so với CR 29% (95%CI: 20- 45%); phác đồ 3 liều: CR 92% (95%CI: 81- 98%) so với CR 54% (95%CI: 46- 71%)). Phác đồ 3 liều cũng có hiệu lực tốt hơn phác đồ liều duy nhất đối với giun tóc, trong đó, 3 liều mebendazole có hiệu lực cao nhất với CR 71% (95%CI: 57- 82%). Phác đồ liều duy nhất và 3 liều của cả hai loại thuốc đều có hiệu lực cao với giun đũa (CR: 93- 97%; ERR:> 99%). Các phác đồ 3 liều có CR 100% với Taenia spp. trong khi các phác đồ liều duy nhất với CR chỉ đạt 50%.
Kết luận: Liều duy nhất bằng đường uống của albendazole có hiệu lực cao hơn so với mebendazole. Phác đồ 3 liều được khuyến cáo trong điều trị gium móc và giun tóc.   


Thống kê truy cập

Đang online: 198

Số lượt truy cập: 21,363,831